Xong chuyện mạt chược thì bữa cơm cũng gần xong, mỗi người xới nửa bát
cơm, Kỳ Dao đưa canh lên, nhưng tất cả đã no, người uể oải, không buồn
nói chuyện nữa. Kỳ Dao dọn bát, lau bàn, đưa hạt dưa và nước trà ra, rồi lấy
trái cây của Mao Mao đưa đến để gọt, cắt miếng và bày lên đĩa. Tâm tư ba
người đang phân tán, không biết đang nghĩ gì, mỗi người nói một câu rời
rạc, không đâu vào đâu. Máy thu thanh nhà bên đang vang lên một đoạn ca
kịch Thượng Hải, từng câu như tố cáo nỗi khổ. Nỗi khổ không gạo không
muối, không phải nỗi khổ của trai gái trong Việt kịch, cũng không phải bi
thương muôn trùng sông núi như trong Kinh kịch. Bà Nghiêm bảo, nhà Kỳ
Dao vui hơn nhà bà, nhưng lòng lại yên tĩnh, nhà bà thì ngược lại, bề ngoài
yên tĩnh, bên trong lại ồn ào. Kỳ Dao cười, nói:
- Không ở đâu thoát khỏi yên tĩnh và ồn ào.
Mao Mao chú ý nhìn mắt Kỳ Dao rồi nhìn quanh nhà. Trong nhà thật đẹp
nhưng như ẩn náu nỗi thương đau nào đó. Những bông hoa thêu và riềm lá
sen của tấm khăn trải giường cũ, sắc màu đẹp tươi của tấm rèm cửa sổ, tất
cả đều vấn vương hình bóng giấc mơ xưa. Cái tủ năm ngăn bằng gỗ đào hoa
tâm mang hình tấm bia kỷ niệm, kỷ niệm gì thì chỉ mình nó biết. Chiếc gối
tựa trên sofa cũng với vẻ ai oán, nỗi ai oán như bàn tay không ngăn nổi
nước chảy về đông. Niềm thương đau ấm áp cứa lòng. Mao Mao không
nghe thấy Kỳ Dao mời rượu nếp. Những hạt rượu nếp như hạt trân châu,
rượu nếp nhà làm, sạch không một hạt thóc.
Đúng ngày hẹn, bảy giờ, bà Nghiêm đến trước, ôm theo một cuộn thảm như
ôm đứa trẻ, bên trong là bộ mạt chược, quân nào cũng trắng như ngọc,
không biết được bàn tay xoa bao nhiêu lần, tiếng kêu lách cách, giòn giã.
Một lúc sau Mao Mao đưa bạn đến. Vì là người lạ nên Kỳ Dao và bà
Nghiêm có phần thiếu tự nhiên, với lại đến vì mục đích đánh bài nên cũng
khó nói chuyện. Chỉ có Mao Mao và anh ta nói cười với nhau, anh ta nói
tiếng phổ thông thật lưu loát làm Kỳ Dao và bà Nghiêm ngạc nhiên. Mao
Mao giới thiệu anh ta tên là Xasa, nghe như tên con gái, mà trông cũng