có thịt gà xào, cá rán, rau cần xào đậu phụ, sò xào trứng. Chỉ mấy món nhẹ
nhàng hợp khẩu vị, chân tình, không dám qua mặt bà Nghiêm, cũng gọi là
chu đáo. Chập tối, bà Nghiêm và Mao Mao đến. Lần đầu tiên Mao Mao đến
đây nên đem theo ít trái cây. Nghe tiếng chân bước lên cầu thang, Kỳ Dao
thoáng vui. Lần đầu tiên Kỳ Dao mời khách, không kể mấy bận bà Nghiêm
ăn cơm thường. Kỳ Dao đón khách vào nhà, bàn trải khăn mới, trên bàn bày
một đĩa hạt dưa, cảm thấy như ngày Tết. Vì bận, vì vui mừng, mặt Kỳ Dao
ửng đỏ, lấm tấm mồ hôi. Kỳ Dao kéo rèm cửa sổ, bật đèn, những đoá hoa to
trên rèm được thu lại. Mắt Kỳ Dao ngấn lệ, mời khách ngồi, lấy trà rồi trở
vào bếp. Nước mắt rơi, bếp nguội nhiều ngày hôm nay mới ấm nóng, như
sống lại. Trên lò là nồi gà hầm, Kỳ Dao phải nhóm thêm bếp dầu để xào
thức ăn, mỡ reo xèo xèo, cũng là âm thanh sống lại. Trên nhà có tiếng nói
chuyện của khách, vui vẻ chưa phải đã hết mức, nhưng rất ấm lòng.
Thức ăn đã bày lên, nửa chai rượu được hâm nóng, căn phòng trở nên ấm
cúng. Khách không ngớt lời khen chủ, món nào cũng vừa ý, nóng, chế biến
khéo tay, giản dị mà rất chân tình. Bữa ăn nằm trong khoảng giữa cơm
thường và chiêu đãi, không xa lạ nhưng lại rất trân trọng, rất phù hợp với
những vị khách hàng ngày vẫn gặp. Bà Nghiêm bất giác thở dài:
- Đáng tiếc chỉ có ba người!
Kỳ Dao và Mao Mao cùng cười, bà Nghiêm thì như không để ý đến hai
người đang cười, nhìn bốn chung quanh, nói tiếp:
- Thật ra, đánh mạt chược có ai biết? Kéo rèm cửa sổ, mặt bàn trải thêm tấm
thảm, liệu còn ai biết? Bà xúc động bởi sự tưởng tượng của mình, nói bà có
đem theo một bộ quân mạt chược làm bằng xương, trông như ngọc. Đánh
vào lúc nào! Vương Kỳ Dao nói không biết đánh, Mao Mao cũng nói không
biết. Bà Nghiêm khuyến khích:
- Có gì mà không biết, đơn giản lắm, dễ hơn đánh bài Tây, dễ hơn đánh tú-
lơ-khơ!