tổn ở đâu thì không rõ. Trường nữ sinh vốn nhìn gió ra mưa, việc Kỳ Dao
thử ống kính được giấu kín, tuyệt nhiên không ai biết. Hai người không ai
dặn ai nhưng đều lặng lẽ không hé răng. Thực ra, nữ sinh nếu được đạo diễn
mời đến thử ống kính là vinh dự lắm rồi, còn thành công lại là chuyện quá
ước mong trong quá ước mong. Ấy là ý nghĩ của Kỳ Dao, nhưng một khi
đến nước này thì tình thế không còn như cũ, người cũng không phải là
người cũ, đã trả giá và phải chịu tổn thất. Nếu Bội Trân không phải là người
bạn thân thiết thì không thể hiểu nổi tâm trạng ấy.
8. Chụp ảnh
Một tháng sau, để chụp ảnh, ông đạo diễn đã gọi điện cho Kỳ Dao. Nghe
điện, giọng nói của Kỳ Dao trở nên khô khan không tự chủ, còn pha chút
châm biếm, cô hỏi lại có cần thiết phải phiền hà thế không. Đạo diễn nói có
một người bạn tên là Trình, làm nghề chụp ảnh, muốn chụp ảnh Kỳ Dao.
Kỳ Dao nói mình không “ăn ảnh”, để anh Trình tìm người khác! Ông đạo
diễn cười: “Dao Dao giận rồi!” Kỳ Dao ngượng, lại từ chối một lần nữa. Ít
hôm sau, Trình gọi điện, hẹn thời gian và địa điểm. Đúng hẹn và theo lời
dặn, Kỳ Dao đem theo vài tấm áo xường xám, vài cái váy, tìm đến đúng địa
chỉ. Trình ở trên tầng thượng sát mái của một toà nhà cao tầng ngoài bãi
sông, căn phòng vừa mới ngăn, có gian chụp ảnh, được kéo ri-đô, vài ba
tấm phông cảnh, cảnh thành phố cổ châu Âu, có cảnh đình đài, lầu son gác
tía. Bên trong là buồng tối và phòng trang điểm. Trình là một thanh niên hai
mươi sáu tuổi, đeo kính cận thị gọng vàng, áo sơ-mi trắng bỏ trong quần
đeo dải, dáng vẻ mẫn cán, thành thạo. Anh mời Kỳ Dao vào phòng trang
điểm còn mình thì ở ngoài chuẩn bị đèn. Kỳ Dao từ cửa sổ của phòng trang
điểm trông thấy cảnh bãi ngoài tạo nên một dải trắng. Buổi sáng chủ nhật
nắng tuyệt đẹp. Đồng hồ trên nóc nhà Hải quan đổ chuông, âm thanh lan toả
không gian nghe mênh mang xa vời. Người đi bên bờ sông chỉ nhỏ như hạt
đỗ, lấp loáng di động. Kỳ Dao không nhìn ngoài cửa sổ nữa, chợt như
không hiểu, không hiểu tại sao mình đến đây? Niềm hy vọng vô tình bị ức