vẫn nhớ có lần Lệ Lợi nói, trong buổi dạ hội cô là người thân duy nhất, Lệ
Lợi đi đến đâu cũng nắm tay cô. Lệ Lợi vốn rất ghét dạ hội, nhưng muốn
được cùng với Kỳ Dao nên phải hy sinh ý thích của mình. Cả hai trở thành
khách thường xuyên của các buổi dạ hội, buổi nào cũng có mặt. Có vài buổi
hai cô vắng mặt thì mọi người ai cũng hỏi thăm, tên của hai cô được nhắc đi
nhắc lại trong phòng khách. Vắng mặt âu cũng là một phần lấy trầm để đối
cao, là phần tương đối cực đoan.
Đêm Thượng Hải lấy dạ hội làm sinh mệnh, cái mà người Thượng Hải gọi
là “thôi thúc”. Ánh đèn nê-ông và vũ trường là thân xác của thành phố
không đêm mà các buổi dạ hội là trái tim. Dạ hội diễn ra nơi sâu thẳm của
thành phố, phía sau những đường phố yên tĩnh rợp bóng cây, trong các
phòng khách kiểu Tây, đó là niềm vui được giấu kín trong tim. Ánh đèn các
buổi dạ hội thường tối hơn, đổ bóng là lời trái tim, lời trái tim mang sắc thái
châu Âu, thuộc trường phái lãng mạn cổ điển. Dạ hội của Thượng Hải lấy
người đẹp làm sinh mệnh, người đẹp là trái tim của các dạ hội, ngàn vạn
mối tình đều trong im lặng, là vẻ đẹp từ trong cốt tuỷ. Sau năm bốn mươi
không còn nghĩ ra, không còn nhận ra những tình yêu đẹp đẽ. Tình yêu đẹp
là vương triều của một thời, vinh quang hiển hách là vương triều trên trời
cao. Bầu trời Thượng Hải đang thổ lộ nỗi niềm thương đau, thương đau của
những tình cảm và vẻ đẹp. Gió Thượng Hải đùa bỡn, nước là son đỏ không
màu. Kỳ Dao là chút tình yêu đẹp ấy, không phải là điểm để mọi người chú
ý, mà là nơi tận cùng trái tim. Kỳ Dao như trái tim trong trái tim được giấu
kín. Nếu như không có Kỳ Dao thì dạ hội sẽ là dạ hội trống rỗng, là hình
bóng thoảng qua. Kỳ Dao là tình yêu đẹp có ý nghĩa nhất, là khát vọng, nếu
như không có nó thì tình yêu không cội nguồn, vẻ đẹp cũng là vẻ đẹp không
cội nguồn. Cho đến nay thì tình yêu kia có cội nguồn, nó nhuốm màu tình
yêu thành phố, mỗi cảnh mỗi vật đều biết nói, nói còn hay hơn hát. Kỳ Dao
đi vào đêm Thượng Hải, đêm Thượng Hải lấy ánh sáng mờ nhạt trong các
ngõ nhỏ và đèn trước phông cảnh của các hiệu ảnh làm bối cảnh, đêm
không phải là một khoảng chật hẹp như tấm ảnh mà là có đầu có cuối,
không phải là tĩnh mà là động. Động cũng không phải như bấm máy ở
xưởng phim, động trong bấm máy là câu chuyện của người khác, cái động