Ba nữ nhân ở Đông Đô gặp mặt tán gẫu, ngoại trừ công việc kinh doanh
của Liễu Ngọc Như và Diệp Vận, thì chủ đề nói chuyện toàn về nam nhân.
Chu Diệp hay viết thư gửi Tần Uyển Chi, trong thư chắc chắn sẽ đề cập
Thẩm Minh. Nghe bảo Thẩm Minh gia nhập đội quân xung kích tại U
Châu. Chu Diệp vốn không đồng ý vì đội quân này đa phần là tù nhân,
chuyên được dùng để làm bia chắn cho người phía sau nên rất nguy hiểm.
Nhưng Thẩm Minh khăng khăng muốn vào, Chu Diệp đành chịu thua.
Mỗi lần nghe tin về Thẩm Minh từ chỗ Tần Uyển Chi, Diệp Vận luôn
cảm thấy người kia khác hẳn Thẩm Minh. Hắn thông minh và trầm tĩnh hơn
nhiều so với Thẩm Minh trong trí nhớ của nàng ấy.
Nghe đâu hắn bắt đầu đọc sách; mỗi tối khi mọi người ở doanh trại đã
ngủ, hắn lại lấy binh pháp ra đọc.
Ban đầu hắn đọc không hiểu, nhưng dần dần đã có thể phân tích cặn kẽ
các chiến lược quân sự.
Khi chú ý một người thành thói quen thì sẽ luôn muốn biết tin tức về
hắn. Liễu Ngọc Như cũng khuyến khích nàng ấy viết thư cho Thẩm Minh;
một lá thư mà nàng ấy viết đi viết lại, viết rất nhiều lần mới bị Liễu Ngọc
Như bắt gửi.
Nửa tháng sau ngày gửi thư, nàng ấy nhận được hồi âm. Chữ viết trong
thư tuy không đẹp nhưng tương đối ngay ngắn, nhìn là biết người viết đã
siết chặt bút mà nắn nót từng chữ với cảm xúc bị kìm nén.
Hắn không viết gì dư thừa nhưng lại khiến nàng ấy cảm thấy các con chữ
chỉ kể chuyện lặt vặt. Nội dung thư lịch sự trả lời những gì Diệp Vận hỏi,
chẳng hề có câu nào không nên nói hay không nên hỏi. Thẩm Minh cứ như
chẳng phải người đặt bút viết lá thư này, song từng con chữ trịnh trọng lại
chứng tỏ hắn đích thực là tác giả.