“Nhưng cho dù có người nghe chúng ta cũng không sao,” con thứ nhất đáp. “tại vì nếu
người đó nghe được, và muốn kể lại cho người khác nghe, chưa kịp mở miệng thì tim nó
đã bị nổ tung trong lồng ngực rồi.”
Một cơn gió lạnh thổi qua đỉnh núi. Bầu trời bắt đầu ửng sáng từ phương đông.
“Chẳng lẽ gã hòa thượng đó không có cách nào thoát được hay sao?” con thứ ba hỏi.
“Chỉ có một cách thôi,” con thứ hai trả lời.
Cô cáo cố gắng lắng nghe, nhưng không có gì hết, không con nào nói gì cả. Chỉ có tiếng
thầm thì của ngọn gió đang thổi bay lá vàng, tiếng thở dài của cành cây khi chúng lay
động trong gió, và tiếng kêu leng keng của cái chuông gió vọng ra từ ngôi chùa nhỏ.
Con cáo cứ nằm yên trong tư thế đó cho đến khi mặt trời lên cao trên đỉnh núi. Rồi nó
cong đuôi lên, chộp con kiến đang trèo lên móng, xong, nó đi ngược xuống núi, và chui
vào hang của mình. Đó là một nơi lạnh lẽo, tối đen, toàn mùi đất ẩm, và tận trong cùng
của hang cáo, là báu vật quý giá của nó.
Nhiều năm trước, nó đã thấy vật đó đang nằm trong một gốc cây cổ thụ to lớn; nên nó
đào lên, dùng răng cắn, và rồi đào thêm nữa, qua rất nhiều ngày, cho đến khi lấy được vật
đó lên khỏi mặt đất, sau đó con cáo dùng lưỡi hồng của mình để liếm vật đó sạch sẽ,
dùng đuôi mình để lau chùi, và rồi nó mang về hang, tôn thờ và chăm sóc vật ấy. Đó là
báu vật của cô cáo. Một loại cổ vật, đến từ đất nước xa xôi.
Đó là một miếng ngọc bội khảm hình rồng, và hai mắt rồng là hai viên hồng ngọc.
Con rồng cho cô thấy thoài mái. Đôi mắt rồng chiếu sáng trong cái hang tối tăm, làm cho
nó ấm áp hẳn lên.
Nàng cáo ngậm miếng ngọc bội trong miệng, nhẹ nhàng như đang ngậm con của mình
vậy.
Nàng cáo mang miếng ngọc bội đi hàng dặm trường, đến một vách núi cheo leo tại bờ
biển. Nàng có thể nghe thấy tiếng hải âu kêu trên đầu, tiếng sóng vỗ trên gềnh đá ở dưới
chân. Nếm được vị muối mặn trong không khí.