ngờ xảy đến trên đường, cảm ơn những cuộc gặp gỡ thoảng qua và đáng
yêu.
Nước Ý đã chiếm được lòng Andersen. Ông đã yêu tất cả mọi vật ở đó:
những cái cầu đá chằng chịt dây leo, những mặt nhà bằng đá cẩm thạch đã
đổ nát, những đứa trẻ da nâu rách rưới, những cánh rừng cam dại Venise -
“bông sen úa”, những pho tượng thánh Laterano, khí trời mùa thu ngây ngất
và ớn lạnh, những mái vòm lấp lánh trên thành Rome, những bức tranh cổ,
nắng dịu dàng và nhiều ý nghĩ sáng tạo mà nước Ý đã sinh ra trong trái tim
ông.
Andersen qua đời năm 1875.
Mặc dầu những rủi ro thường gặp, ông đã được hưởng hạnh phúc chân
chính, làm người mà nhân dân nước ông yêu mến.
Tôi không dẫn ra đây tất cả những gì Andersen đã viết. Cái đó có lẽ cũng
chẳng cần thiết. Tôi chỉ muốn phác qua một hình ảnh vội vàng của nhà thơ
và người kể chuyện cổ tích ấy, con người kì quặc đáng yêu ấy, người mà
đến lúc chết vẫn là một đữa trẻ chân thành, con người có tài ứng tác, đầy
hào hứng và người có tài chiếm lĩnh tâm hồn người - cả trẻ con lẫn người
lớn.
Ông là nhà thơ của người nghèo mặc dầu những đức vua coi việc được
bắt bàn tay gầy guộc của ông là một vinh dự.
Ông là ca sĩ bình dân. Cả cuộc đời ông chứng tỏ kho báu của nghệ thuật
chân chính chỉ có ở trong tri thức của nhân dân và không ở nơi nào khác.
Thơ ca làm cho trái tim của nhân dân được no nê chẳng khác gì triệu triệu
hạt bụi nước tí xíu làm bão hòa không khí trên đất đai Đan Mạch. Người ta
nói vì thế mà không đâu có những cầu vồng rộng lớn và rực rỡ như ở đây.
Chúc cho những cầu vồng đó sẽ lấp lánh thường xuyên hơn nhưng khải
hoàn môn nhiều màu lắm sắc trên nấm mồ của người kể chuyện cổ tích
Andersen và trên những khóm hồng bạch mà ông yêu mến.
1955