thối khắm”. Cuộc cãi lộn tàn nhẫn theo kiểu hàng hải ấy làm cho Andersen
buồn cười.
Những chuyến đi Kattegat không được tính vào các chuyến đi của
Andersen. Sau chuyến đi đó bắt đầu những “chuyến du lịch thực sự” của
Andersen. Ông đã đi vòng quanh châu Âu nhiều lần, đã đến miền tiểu Á và
cả châu Phi.
Ở Paris ông làm quen với Victor Hugo và nữ nghệ sĩ vĩ đại Rasen, trò
chuyện với Balzac, đến chơi nhà Heine. Ông bắt gặp nhà thơ Đức đang ngồi
với bà vợ Paris kiều diễm của ông, chung quanh bà là một đám trẻ ồn ào.
Nhận thấy vẻ lôi cuốn của Andersen (trong thâm tâm ông thường vẫn sợ
con trẻ). Heine nói:
- Ông đừng sợ. Đây không phải các cháu đâu. Chúng tôi mượn của bà
con hàng xóm đấy.
Dumas dẫn Andersen đi xem hát ở các rạp rẻ tiền ở Paris, còn Andersen
thì một hôm bắt gặp Dumas đang viết cuốn tiểu thuyết thường kì của ông,
Dumas lúc thì ầm ầm chửi nhau với những nhân vật của mình, lúc thì
nghiêng ngả vì cười sặc sụa.
Wagner, Schumann, Mendelssohn, Rossini và Liszt biểu diễn các tác
phẩm của họ cho Andersen nghe. Andersen gọi Liszt là “linh hồn của giông
tố trên những dây đàn”.
Ở London, Andersen gặp Dickens. Hai người nhìn thẳng vào mắt nhau.
Andersen không chịu nổi, quay mặt đi và khóc. Đó là những giọt nước mắt
của lòng khâm phục trước trái tim vĩ đại của Dickens.
Sau đó, Andersen đến thăm Dickens ở ngôi nhà nhỏ của ông trên bờ biển.
Ngoài sân, một người Ý đang buồn bã quay phong cầm Bacbari, bên ngoài
cửa sổ, trong tranh tối tranh sáng, ánh lên lửa hải đăng, những con tàu lộc
ngộc từ trong sông Thames bơi ra biển, đi qua nhà, còn bờ bên kia sông thì
rực sáng như than bùn cháy - đó là những nhà máy và những xưởng sửa
chữa tàu biển nhả khói.