Nhưng qua hai mùa đông nữa, thông non của chúng ta lớn đến mức thỏ
rừng đành phải chạy vòng quanh.
Nó lớn lên, lớn mãi, trở nên cao và già. Trên đời này, còn gì đẹp cho
bằng, thông non vẫn đinh ninh như thế.
Hằng năm cứ đến mùa thu các bác tiều phu lại vào rừng đốn ít cây to
nhất.
Cây thông non bây giờ đã khá to, nó suy nghĩ về số phận những cây to và
đẹp đang đổ xuống đất rầm rầm. Người ta chặt cành và bóc vỏ đi, cây thành
ra dài và thon, không nhận ra được nữa. Sau đó, người ta đặt cây lên xe
ngựa, chở ra khỏi rừng.
Cây đi đâu thế nhỉ? Số phận cây rồi sẽ ra sao đây? Đến mùa xuân, khi cò
và chim nhạn bay trở về, thông non trước kia của chúng ta hỏi:
- Các bạn có biết người ta mang những cây to đi đâu không? Các bạn có
gặp các câu ấy không?
Chim nhạn chẳng hề biết, nhưng một con cò có vẻ đứng đắn, gật gù đáp:
- Có lẽ tôi biết đấy! Tôi đã gặp rất nhiều tàu bè mới tinh từ Ai Cập về.
Cột buồm những tàu ấy rất lộng lẫy, và tôi ngửi thấy thơm thơm, hình như
gỗ thông thì phải.
- Chao ôi! Ước gì tôi đủ sức lớn để cũng được bồng bềnh trên mặt biển.
Biển ấy như thế nào nhỉ? Giống cái gì nhỉ?
- Nói ra thì dài dòng lắm. - Cò đáp rồi bay đi.
Những tia nắng mặt trời bảo thông:
- Cậu hãy vui sướng cái tuổi trẻ của cậu. Hãy tận hưởng chất nhựa tươi
tắn và tuổi thanh xuân của cậu!
Gió hôn thông và sương trang điểm cho thông những hạt lóng lánh như
ngọc. Nhưng thông chẳng xúc động mảy may trước sự săn sóc ấy.
Gần đến lễ Noel, người ta đến chặt nhiều cây con, bé và non hơn cây
thông của chúng ta, lúc này chỉ muốn rời bỏ cánh rừng. Các cây non ấy
cành lá lưa thưa nên người ta để nguyên lên xe ngựa chở ra khỏi rừng.