Nhưng, liễu càng tươi tốt lên thì ngược lại, ở lâu đài cuộc sống càng lụn
bại vì cờ bạc và tiệc tùng, hai thứ đó là hai con tàu mà con người nhất thiết
không nên leo lên.
Mười năm chưa kịp trôi qua mà lão chúa đất đã phải lìa lâu đài, vác bị
gậy đi ăn xin. Lâu đài phải bán cho một ông hàng giày giàu có, người mà
xưa kia bọn chúng đã bắt uống rượu đựng trong bít tất. Tính siêng năng và
lòng chính trực là những người giúp việc tốt; chúng đã đưa anh hàng giày
lên địa vị chủ nhân, nhưng có cái là từ khi ấy trong lâu đài không có nạn cờ
bạc nữa.
Chủ nhân mới cưới vợ. Cưới ai thế? Chính cô bé chăn ngỗng từ trước đến
nay vẫn đáng yêu, hiền từ và tốt bụng. Bận quần áo mới vào trông cô lộng
lẫy như con nhà quyền quý vậy. Câu chuyện sao lại thành ra như thế nhỉ?
À! Kể ra thì hơi dài dòng, nhưng sự thực là như thế đấy và đoạn sau lại
đáng kể hơn.
Người ta sống êm ấm trong tòa lâu đài cổ kính. Bà chủ đích thân làm
công việc nội trợ; ông chủ thì quán xuyến mọi việc bên ngoài. Thật là có
phúc lắm thay! Vì nơi nào đã có hạnh phúc thì những sự thay đổi cũng chỉ
mang thêm hạnh phúc đến mà thôi. Tòa lâu đài được lau chùi và quét vôi
lại. Người ta phát quang đường hào và trồng cây ăn quả. Phong cảnh trở
nên hữu tình. Ngay sàn nhà cũng bóng nhoáng như đồng đánh bóng. Trong
những đêm đông dài, nữ chủ nhân cùng tất cả đày tớ gái ngồi kéo sợi, se gai
ở gian phòng lớn nhất. Mỗi tối chủ nhật, người ta cất cao giọng đọc một
đoạn kinh thánh. Chính ông hội thẩm đọc kinh và ông hội thẩm chẳng ai xa
lạ mà là anh hàng giày rong khi về già đã được cử vào chức vị ấy. Lũ trẻ
con trong nhà lớn lên. Tất cả chúng nó đều không có những thiên bẩm phi
thường, như người ta thường thấy trong mỗi gia đình, nhưng ít nhất chúng
đều được hưởng một sự giáo dục rất tốt. Còn gốc liễu thì đã trở nên một cây
tuyệt đẹp, mọc tự nhiên, không bị tỉa xén gì cả. Ông bà cụ chủ nhà dặn dò
con cháu:
- Đây là cây gia hệ của họ nhà ta, các con phải sùng kính, tôn trọng nó.