Khi tới gốc cây, cậu bá tước nhỏ nhất muốn bẻ một cành liễu để gọt một
ống sáo; anh giáo bẻ cho cậu một cành.
- Trời! Anh đừng làm thế! - Cô bé kêu lên, nhưng quá muộn. - Đây là cây
cổ thụ trứ danh của nhà tôi đấy! Tôi quý nó lắm. Cả nhà cứ thế nhạo tôi vì
thế, nhưng tôi không cần. Có cả một truyện cổ tích về gốc cây cổ thụ này…
Rồi cô thuật lại cả câu chuyện mà chúng ta đã biết về gốc liễu, về tòa lâu
đài cổ, về cô bé chăn ngỗng và anh bán hàng giày rong, về tổ tiên của cái
gia đình danh giá mà chính cô là dòng dõi.
Cô nói:
- Các cụ tổ trung thực ấy không muốn mua danh tước. Châm ngôn của
các cụ tôi là: “Người nào, vật nào, chỗ nấy!”. Đối với các cụ tiền tài không
phải là tờ chứng khoán có đủ hiệu lực để đưa các cụ lên ngôi thứ cao. Chỉ
có con trai của các cụ, tức là ông tôi, đã trở thành bá tước. Ông tôi hiểu biết
rất rộng. Được mọi người kính trọng và được vua và hoàng hậu rất quý
mến, thường cho vời đến dự mọi yến tiệc. Chính ông cụ là người được sùng
kính hơn cả, nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn cứ thích các cụ tổ kia hơn.
Trong quang cảnh tòa lâu đài cổ kính, bà cụ ngồi giữa đám hầu gái se sợi,
cụ ông cất cao giọng đọc kinh thánh; hai cụ hẳn là người hiền hòa, phúc hậu
biết bao!...
Cậu bé đã gọt xong ống sáo.
Trong lâu đài đang có cuộc hội họp lớn; khách khứa từ kinh đô và các nơi
lân cận về, có các bà quý phái mặc quần áo đủ các kiểu, có kiểu trang nhã,
nhưng cũng có kiểu trông thật khó coi.
Gian phòng lớn chứa đầy khách khứa. Anh con trai ông mục sư khiêm
tốn đứng trong một góc.
Sắp sửa có một cuộc hòa nhạc lớn. Cậu bá tước mang ống sáo bằng cành
liễu tới, nhưng cha cậu và cậu đều không biết thổi.
Người ta đàn nhạc và ca hát, ai cũng lấy làm thích thú. Kể ra thì như vậy
cũng là khá lắm rồi.