Và cả nhà, ngay đến những người chậm hiểu nhất cũng nghe theo những
lời khuyên đó.
Một trăm năm qua đi.
Đến thời chúng ta đây. Hồ nước đã biến thành đầm lầy; tòa lâu đài cổ đã
điêu tàn; người ta chỉ còn thấy một bể cạn, hình bầu dục; đựng nước cho
súc vật, bên cạnh một đoạn móng tường nhà cũ; đó là dấu vết còn sót lại
của hào lũy thuở xưa. Nơi ấy còn có một cây cổ thụ. Đó là cây gia hệ. Ta
thừa biết một cây liễu được mọc tự nhiên thì sẽ đẹp biết chừng nào! Cây đã
bị mọt ăn rỗng từ gốc đến ngọn, bị bão táp phá hoại ít nhiều, nhưng vẫn
đứng vững vàng, trong những khe kẽ mà gió đã đem đất tới, cỏ non và
những cây có hoa đã mọc lên. Phía trên thân cây, nơi trổ ra những cành lớn,
có cả một mảnh vườn hoa sơn trà và phúc bồn tử nho nhỏ. Một ngon dương
mai mảnh dẻ và cao vút mọc ngay trên thân cây liễu cổ thụ đứng soi mình
trên mặt nước đen của bể cạn.
Một con đường mòn bỏ từ lâu, chạy vắt qua cái vườn ngay gần đấy.
Tòa nhà vĩ đại, nguy nga đã được xây dựng trên đồi cao cạnh rừng. Đứng
ở đây nhìn phong cảnh thật là tráng lệ.
Tòa nhà vĩ đại, nguy nga, có cửa kính trong vắt trông như là cửa để trống.
Ở đây không có cái gì là không cân xứng. “Đâu vào đấy!” vẫn là khẩu
hiệu của nơi này. Chính vì thế nên những bức họa xưa kia đặt ở những nơi
trang trọng nhất của lâu đài bây giờ đều được đem treo ra ngoài hành lang
cả. Hai bức họa cổ, một bức vẽ một người đàn ông, vận quần áo đỏ, đầu
chụp bộ tóc giả, một bức vẻ một bà quý phái, môi son, má phấn, tóc quăn,
tay cầm cành hồng đỏ, đều chẳng phải là những bức họa xấu cả đấy ư? Mỗi
bức đều có một vòng lá liễu bao quanh. Bức nào cũng có nhiều lỗ thủng
lớn. Đó là vì các cậu bá tước trẻ tuổi đã đem tranh của vợ chồng ông cụ già
đáng thương, tức là vợ chồng ông hội thẩm, thủy tổ của họ, ra làm bia ngắm
bắn súng hơi.
Con trai ông mục sư dạy học trong lâu đài. Một hôm anh ta dẫn các cậu
bá tước và cô chị cả, vừa làm lễ thêm sức xong, qua con đường nhỏ, ra chỗ
gốc liễu cổ thụ.