- Thôi thế chính là cậu đã được đi vào cõi tiên rồi. Tôi nghe nói một
ngày trên trời dài bằng cả năm dưới hạ giới. Chúng tôi đây chỉ là hạng con
em, cháu chắt của cậu thôi.
Trịnh Phát Giác hoang mang, không biết xử trí ra sao cả. Cậu móc túi
lấy mấy viên sỏi ra, nhưng vừa đặt lên tay thì sỏi đã thành những cánh hoa
bay mất. Buồn rầu, cậu cắm chiếc gậy xuống đất. Chiếc gậy bỗng hóa
thành ra một con rồng, cậu bé trèo lên lưng rồng và bay đi. Nơi cắm chiếc
gậy nổi lên một dãy núi đá có cửa hang mở rộng. Người làng đi vào trong
hang thấy cảnh trí thần kỳ, có đường đi mãi vào trong. Họ quay về hỏi
những người tinh thông sách vở. Một cụ đồ tra điển tích, bảo với bà con:
- Tôi đọc sách xưa, thấy có truyện ông Thi Tốn người nước Lỗ học
phép tiên, thường mang một cái bầu trong đó có mặt trăng, mặt trời, đêm
đến lại vào trong bầu ngủ, ông ta tự đặt hiệu là Hồ Thiên, người đời gọi là
Hồ Công. Sau Hồ Công gặp Phí Tràng Phòng ở Hoa Dương, cho Tràng
Phòng một cái gậy cũng hóa thành con rồng. Có lẽ cậu Trịnh Phát Giác ở
làng ta là thân sau của Phí Tràng Phòng đã được gặp Hồ Công chăng?
Biết câu chuyện ấy, người làng Thọ Vực bèn đặt luôn cái động ở dãy
núi là động Hồ Công. Động Hồ Công là nơi danh thắng của tỉnh Thanh Hóa
và của cả nước ta, xưa nay được rất nhiều người ngợi khen và lấy làm đề tài
ngâm vịnh.
Nguồn: Truyện cổ các dân tộc Thanh Hóa,
Phùng Sĩ Hòa và Nguyễn Hữu Chức tuyển chọn và biên soạn.
Nxb. Thanh Hóa, 1999.