xanh đỏ cười và vứt chinh vào cái chậu của mấy bố con người xẩm.
Hải dừng chân lại. Người ta nhìn bởi vì người ta phải nhìn một cái gì.
Những gái giang hồ ở những nhà chơi gần đấy cũng vậy. Họ biết rằng khi
nào có đám đông tụ họp thì họ có nhiều dịp may. Và tiếng đàn bầu tưng
tưng lấn hết cả những tiếng khác. Tiếng đàn bầu khắc khổ, không đều và
thỉnh thoảng lại phựt phựt lên điếc cả tai:
Ba bốn năm em ăn ở trên rừng,
Chim kêu vượn hót nửa mừng nửa lo.
Đã trót sa chân mà bước xuống đò,
Gieo mình xuống sạp nhưng lo cùng phiền.
Chợ tính Đông một tháng sáu phiên,
Gặp cô hàng xén kết nhân duyên vừa rồi...
Hải nghe thú lắm. Chàng thấy tất cả cái tinh thần của người mình ở
trong câu hát, chàng thấy một cái buồn nhẹ nhàng như một lời hứa hẹn, một
lời trăng gió. Chàng không cho bọn xẩm một đồng trinh nào cả, nhưng
trong lúc chàng đương ngây ra để ngắm cái miệng của con bé hát xẩm và
khen “ Hay! Hay!” thì có một ai chạm vào vai chàng khe khẽ. Chàng quay
lại thì thấy một người đàn bà xinh xẻo nói bâng quơ rằng: “ Cũng chẳng lấy
gì làm hay lắm. Mà nó còn bỏ dở đấy, chứ đã hết bài hát đâu!”
Hải liếc thật nhanh và thấy người con gái vừa nói búi tóc đẹp quá và có
vẻ hiền lành, dí dỏm như con mèo.
Hải cảm động quá, ngập ngừng mãi mới nói được:
- Thế bài hát ấy còn nữa, thì đoạn dưới ra thế nào?
Nàng trả lời:
- Đoạn dưới như thế này:
Trong bồ cô có những quế cùng hồi,
Có mẹt bồ kếp, có nồi phèn chua,
Bó hương thơm cô để cạnh bồ...