vợ con ra thế nào? Tân thời hay cũ kỹ? Răng trắng hay răng đen? Nó rồi ra
có làm cho sung sướng hay không, chẳng biết? Hôm nào con dắt nó về cho
mẹ xem…
Hải thấy như được cởi mở tấm lòng, sau khi nghe những lời nói đắn đo
và nhân đức của mẹ già. Sáng hôm sau, chàng đến sở, nhẹ nhàng như con
sáo. Đi qua cái gác nhà Trâm ở, chàng thấy cửa sổ còn đóng nên chưa lên
báo tin mừng. Chàng nghĩ: " Giờ đây, tất Trâm còn đương ngủ, mình chẳng
nên làm phiền vội. Để đến trưa về, còn nhiều thì giờ, mình mới nói được
hết cả đầu đuôi. Ba bốn giờ đồng hồ, mình hãm lại, đến lúc thuật lại thì lại
càng thêm hứng thú”.
Cả buổi sáng hôm ấy, Hải ngồi không làm gì cả. Chỉ khi nào chủ đến,
chàng mới giả cách cúi đầu tẩy, xóa, kẻ… còn thì chàng cứ ngồi thờ thẩn
nhìn ra cửa sổ, và lần thứ nhất trong đời chàng, chàng thấy cái cửa sổ ấy bé
quá mà không khí trong buồng giấy là thứ không khí nặng nề khó thở.
Chàng chán cái sở chàng làm quá. Nhưng anh em nhìn lâu quá nhàm.
Chàng chỉ có một bạn thân: Trâm. Chàng chỉ có một ý nghĩ: Hải ơi, chỉ
dăm bữa nửa tháng, Trâm sẽ là vợ anh – một người vợ được tất cả mọi
người công nhận, kể cả tào Đốc lý!
Chàng vừa nghĩ vừa đưa quản bút lên trên những trang giấy trắng. Chàng
vẽ hình người đi lại, có hai chữ T.H. chằng vào nhau. Chàng ngoáy chữ ký
cho đều để ngộ nay mai còn phải ký trên tờ giá thú. Chàng tính những
người phải mời ăn và, không lấy gì làm nóng nảy quá, chàng đã tập thảo cái
thiếp mời như sau này:
Thưa bác,
Thừa lệnh thân mẫu, định đến ngày… thì làm lễ thành hôn cho tôi với Mlle
Phạm Thị Trâm, vậy đến ngày… xin mời bác lại tệ xá ở… xơi chén rượu
nhạt mừng cho chúng tôi thì chúng tôi lấy làm cảm tạ vô cùng.
Nay kính