Lúc chín giờ sáng, ông Henry William Field chạy ra khỏi thư viện, ông
gọi gia nhân và đích thân dùng điện thoại truyền hình mời các vị luật sư bạn
bè, các nhà bác học và nhà văn tới nhà mình.
- Xin các vị đến đây ngay! - Ông gào to.
Không đầy một tiếng sau, tại nhà ông đã tề tựu chừng mười hai người,
ông Henry William Field đợi họ trong phòng giấy - đầu tóc bù xù, râu ria
chưa cạo, trạng thái kích động đến mức khiếm nhã, tâm trạng chan chứa
một sự vui vẻ cuồng nhiệt khó hiểu thế nào đó. Hai bàn tay khô héo giữ
chặt lấy cuộn sách dầy cộp, ông chỉ cười đáp lại khi mọi người chào hỏi.
- Các vị hãy nhìn xem, - cuối cùng ông cũng lên tiếng, - đây là quyển
sách đó, một con người khổng lồ sinh ra ở Asheville tiểu bang Bắc Carolina
đã viết nó vào năm một ngàn chín trăm. Ông đã về thế giới bên kia từ lâu
rồi, thế mà từng có một lúc ông đã cho in bốn pho tiểu thuyết lớn. Ông xuất
hiện như một trận cuồng phong. Ông thổi bạt những ngọn núi và hút nhận
vào mình những trận gió. Ngày mười lăm tháng chín năm một ngàn chín
trăm ba tám ông qua đời ở Baltimore trong bệnh viện John Hopkins vì một
loại bện khủng khiếp thời xưa là bệnh viêm phổi, sau khi chết ông để lại
một chiếc vali nhét chật những tập bản thảo - tất cả đều được viết bằng bút
chì.
Mọi người đều nhìn quyển sách.
Đó là cuốn “Hỡi thiên thần, hãy ngoái nhìn lại quê nhà”.
Ông già Field còn đặt lên bàn ba quyển sách nữa. “Về thời gian và về con
sông”, “Mạng nhện và ghềnh đá”, “Em chẳng thể về nhà được nữa”.
Thomas Wolfe đã viết những tác phẩm này, - ông nói. - Ông đã yên nghỉ
được ba thế kỉ trong lòng đất xứ Bắc Carolina.
- Chẳng lẽ ngài triệu gọi chúng tôi tới đây chỉ để chỉ cho xem các quyển
sách của một ông văn sĩ nào đó đã chết lâu rồi hay sao? - Các bạn ông ngạc
nhiên hỏi.