vậy mỗi khi lâm vào cơn hiểm nghèo chú thỏ nào cũng chạy vào bụi dã
tường vi gần nhất và hiểu rằng bụi cây sẵn sàng dâng muôn triệu gai nhọn
để bảo vệ cho chú.
Mùa ấy Rách cũng tìm hiểu khu đất xung quanh đầm lầy. Chú học bài
này thuộc đến nỗi chú có thể đi khắp quanh đầm bằng hai con đường khác
nhau mà bao giờ cũng gần những bụi dã tường vi. Ít lâu sau ông già
Âuliphân đem trồng một loại cây gai mới thành từng hàng khắp nơi nơi.
Loại gai này cứng và nhọn đến mức chẳng loài dã thú nào dám phá đổ hàng
rào. Song thỏ mẹ đuôi bông Môli không sợ bởi vì đó chẳng qua là một loại
dã tường vi mới và Môli cùng với đứa con sống bình an dưới những cành
gai này. Tên của loại cây gai mới kinh khủng này là hàng rào dây kẽm gai.
III
Thỏ mẹ Môli chỉ có mỗi mình Rách nên chú ta được mẹ hết lòng chăm
sóc. Chú rất nhanh nhẹn, thông minh, khoẻ mạnh và hay ăn chóng lớn. Suốt
mùa ấy thỏ mẹ dạy con tất cả các mưu mẹo đi đường, dặn con cái gì nên ăn,
cái gì nên tránh. Chú ngồi sát ngay bên mẹ khi ở trên cánh đồng hay trong
rừng cây và bắt chước những điều mẹ làm. Cứ như thế, chú học cách dùng
móng chân để chải tai, học cách rửa ráy bộ lông và bắt rận cho mình. Chú
cũng được bảo cho biết rằng chỉ có những giọt sương đọng trên cánh dã
tường vi là thỏ có thể uống một cách an toàn còn nước đã chạm đất thường
có một ít chất độc.
Khi Rách vừa đủ khôn lớn, có thể ra khỏi tổ một mình, thỏ mẹ dạy chú
hệ thống tín hiệu. Loài thỏ có một hệ thống tín hiệu đập chân xuống đất và
chúng dùng để báo tin cho nhau. Âm thanh truyền xa trong đất và vì thỏ rất
thính tai nên từ xa hai trăm yard chúng có thể nghe thấy tín hiệu ấy. Một
đập nghĩa là "coi chừng" hoặc "ngưng tụ". Hai đập theo nhịp chậm nghĩa là
"đến đây". Hai đập nhanh nghĩa là "nguy hiểm" và ba đập thật nhanh nghĩa
là "cố hết sức mà chạy".