Họ dừng ở dưới gốc liễu đầu bờ ruộng. Ông già sợ giẫm vào ngọn dưa
bò trên mặt đất, cẩn thận lách tới, khom lưng và cười với tôi: “Người anh
em bé nhỏ, chúng tôi muốn ăn dưa được không?”.
Tôi lắc: “Không được, dưa này bán đấy!”.
Ông già nói: “Chúng tôi đi thăm con gái, không mang theo tiền, ghi sổ
nợ được không?”.
“Ông ơi, chúng tôi không bán chịu đâu”.
Ông lão nói: “Người anh em bé nhỏ, xin cứu mệnh, trời nóng quá, vợ
tôi bị trúng nắng trên đường, họng vừa khô vừa khát, đầu vừa đau vừa căng
ra...”.
Tôi vào lều lấy chai nước đưa cho ông. “Ông ơi, cho bà ấy uống đi!
Đây là nước giếng vừa mát vừa ngọt, vừa tinh khiết vừa giải nhiệt...”.
Ông ta xua tay. “Vợ tôi không uống được nước lạnh, uống vào thì ho
hen mất!”.
Đang nói thì người phụ nữ kia bỗng rên lên một tiếng rồi ngã lăn
xuống đất. May mà con lừa không cao, đường lại toàn đất mềm nên không
sao, chỉ làm cho mọi người sợ hãi. Ông lão hét lên, chạy tới. Tôi vội vàng
hái một quả dưa ôm đến trước mặt họ. Ăn dưa xong, nằm nghỉ dưới gốc
liễu một chút, người phụ nữ dần dần tỉnh táo, sắc mặt đã bừng lên, ánh mắt
đã tươi trở lại, sau đó nhìn tôi cười.
Ông lão hỏi: “Cháu bé, cháu mấy tuổi?”.
Tôi trả lời: “Tám tuổi”.
Ông lão lại hỏi: “Gia đình có mấy người?”.
“Ba người, cha, anh và cháu”.
Người phụ nữ chau mày cầm đôi giày nát mà tôi vứt ở đó xem đi xem
lại rồi nói. “Đứa trẻ không có mẹ, đôi giày rách thế này cơ mà!”.
Trời đã gần trưa, tôi sợ anh tôi đến kiểm tra việc canh dưa nên giục:
“Chú ơi, thím đã khỏi rồi, mọi người hay đi nhanh cho cháu, nếu không...”.
Ông lão hình như biết điều tôi sắp nói, xoa cái đầu quả dưa của tôi,
sau đó dìu người phụ nữ lên lưng lừa, hô “Jia” leng keng leng keng ra đi.
Họ vừa đi khỏi thì anh tôi đến. Sau một hồi đi đi lại lại trong ruộng dưa,
anh tôi hét lên: “Quả dưa chỗ này đâu?”.