Tinh ấy vẫn thường xuất hiện trong đầu Quỳnh, thậm chí cả trong giấc mơ -
Lý Tinh như con tuấn mã đang chạy như bay về đích. Tỉnh dậy, Quỳnh
không ngăn được tự hỏi, mình như thế này là sao?
Hơn nữa, điều khiến Quỳnh thấy kỳ lạ là không thể ngăn được mình
không nghĩ đến Lý Tinh. Tất nhiên Quỳnh cũng ý thức được suy nghĩ của
mình là hoang đường, không có căn cứ. Đây không phải là nói Quỳnh
không xứng đáng với Lý Tinh, mà là ngược lại, vì Lý Tinh không cùng một
tầng lớp xã hội với Quỳnh. Gia đình nông dân, nhà ở nông thôn, học hành
không ra sao, thậm chí ít khả năng thi đỗ...
Hạ tuần tháng Tám, Quỳnh nhận được giấy triệu tập vào trường đại
học Bắc Kinh. Lúc sắp đi, không hiểu sao Quỳnh quyết định viết thư cho
Lý Tinh, viết xong vẫn thấy chưa thể hiện được hết lòng mình, Quỳnh tìm
thỏi son mà chị họ tặng hôm sinh nhật, soi gương tô cho môi mình đỏ thắm.
Sau đó Quỳnh áp môi vào hai chữ Lý Tinh ở chỗ cao nhất của bức thư. Thế
là bức thư có vết son môi rất rõ nét. Quỳnh đương nhiên là không gửi bức
thư đi mà đốt nó. Sau đó Quỳnh lên Bắc Kinh nhập học.
Lời bình của Phùng Huy: Tôi tin Quỳnh sẽ ghi nhớ suốt đời vết môi
son trên bức thư ấy. Vì đấy là lần đầu tiên Quỳnh nảy mầm tình yêu. Cô
yêu Lý Tinh. Cô biết hoàn cảnh anh ta nghèo, học tập không tốt, tiền đồ
không sáng sủa nhưng vẫn yêu. Hơn nữa lại viết cho anh ta bức thư có in
dấu son môi của mình. Dấu môi son này cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời
Quỳnh. Còn có tình cảm nào thuần khiết, trong sáng hơn thế! Vết son môi
thuần khiết đầu tiên trong đời đã khắc sâu trong tâm hồn cô.