đúng hơn là với vận mệnh. Cơ hội này không phải ai cũng có được. Thành
bại đều vinh.
Xe chạy với tốc độ trăm tư, trăm rưỡi cây số một giờ song vẫn chỉ
động đậy như con giun bò lên ngực cao nguyên rộng lớn. Độ cao so với
mặt biển tăng lên theo vòng bánh xe lăn. Tới đầu nguồn con sông hùng vĩ
Trường Giang, những người đồng hành bắt đầu có phản ứng, bước chân
chậm dần, nói cười cũng giảm, môi thâm tái đi. Trần Kỳ cố tỏ ra bình
thường, nói cười tự nhiên, bước đi ổn định, trong khi lòng vừa buồn vừa
đau. Đầu anh cũng bắt đầu căng ra, và anh sợ là mình sẽ phản ứng mạnh
hơn người khác. Người khỏe ở đây có thể phóng đại sự đau khổ của họ.
Anh thì không thể. Một mặt, sự đau khổ này không đến mức không thể chịu
đựng nổi, cái gì có thể chịu đựng được thì vì sao lại phải biểu lộ ra bên
ngoài. Mặt khác, anh không thể làm tăng nỗi lo sợ của các bạn đồng hành.
Nếu anh nói anh đã có phản ứng rõ ràng thì các bạn đồng hành, trong đó có
mấy vị bác sĩ giỏi, sẽ khuyên anh ở lại binh trạm. Anh mang cái túi như túi
đựng rác, đợi khi xe đã vượt qua Đường Cổ La Sơn nhân tiện mang anh trở
về nơi xuất phát. Đương nhiên anh không chỉ là túi rác mà còn để lại cho
đồng hành sự thất bại, sự khuất phục, dù đó không phải là trách nhiệm của
anh. Trần Kỳ rất quý sự sống. Từ nhỏ, thể chất yếu nhược. Bà ngoại khi
khuất núi đã gọi: “Trần Kỳ”. Cái âm thanh già nua thấu qua nắng chiều,
khoan vào tai. Đó là “gọi hồn”. Anh đáp lại tiếng gọi cuộc sống này. Sau
này trưởng thành, anh trở thành nhà duy vật chủ nghĩa, nhưng cái thời khắc
vang lên tiếng của bà ngoại vẫn văng vẳng bên tai. Anh nghĩ:
“Tính mệnh mình như quả trứng vỏ mềm, cần có môi trường để sinh
mệnh trở nên cứng rắn”. Đối với núi, Trần Kỳ có một loại tình cảm tôn
giáo. Anh cho rằng trong sự sống có thể không có phong hoa tuyết nguyệt
nhưng không thể không có núi. Chỉ có kết hợp với núi thì sự sống mới có
độ cao. Núi là môi trường vững chắc nhất của sự sống. Ngày nay, những
ham muốn vật chất hoành hành. Xã hội ngày càng phức tạp, người ta lại
cùng có nhu cầu đến cao nguyên Thanh Tang nguyên thủy, thánh địa rộng
lớn thuần khiết này để lễ bái, đi tìm những thứ không có ở nơi phồn hoa,