Trong tập thể, công việc ngập đến tận mắt. Phải năm khô hạn, các làng xóm
lân cận đều thiếu đói. Ăn mày kéo nhau đi từng đàn trên đường cái cạnh
làng Katsalốpka. Họ rẽ cả vào làng. Có những tiếng yếu ớt rên rỉ bên ngoài
những tấm ván bưng cửa sổ sơn màu:
- Vì chúa...
Cánh cửa sổ ruồi bâu đầy, bỗng mở toang, một bộ mặt râu ria xồm xoàm
đưa mắt nhìn ra ngoài đường nắng như thiêu, như đốt, cất tiếng cằn nhằn:
- Cái đám hành khất này, các người đi ngay cho, kẻo ta thả chó ra bây giờ !
Đằng kia có cái “chập” thể, ra đấy mà xin họ !... Họ lập ra cái thứ chính
quyền này thì họ phải nuôi các người !
Thế là ngày nào người ta cũng lũ lượt kéo nhau tới cánh cổng bào nhẵn,
thơm mùi nhựa của tập thể.
Acxêni người gầy rộc, da sạm nắng, cùng kế xua hai tay.
- Tôi nhét các bác vào đâu được bây giờ ? Chỗ nào cũng đầy ắp người rồi ?
Làm sao chúng tôi nuôi nổi tất cả các bác được !
Nhưng các bà trong tập thể thì cứ ào ào chung quanh Ácxêni như ong vỡ tổ,
và những cảnh như vậy thường kết thúc ở chỗ là Acxêni và nông dân đành
phẩy tay, bỏ ra chỗ máy đập lúa ở sân phơi, để kệ cho các bà dẫn khách vào
dãy nhà kho cạnh khu nhà ở. Thế rồi từ những khung cửa sổ nhà bếp rộng
thênh thang cho chí ngoài sân, vang lên tiếng xoong nồi loảng xoảng, tiếng
bát đĩa lanh canh tới tận chiều.
Chốc chốc lại thấy bác Actem thủ kho thở hồng hộc, chạy ra sân phơi, vừa
ngán ngẩm nhổ phì phì, vừa cất giọng khàn khàn nói:
- Không sao nói nổi các bà ấy nữa !...Acxêni, anh phải có cách gì quan trị
quan nhậm với các bà ấy mới được. Ai lại mang một đống ông già vào, rồi