lẽ, khiến cả rễ thông cũng run rẩy. Âm lắng dần đi, rồi tiếng mưa rơi trên
hàng dặm đất cứng và cỏ chuyển thành tiếng trống âm u của nước chảy trên
đất nhão. Và chỉ từng ấy thôi cũng đã kể hết đầu đuôi câu chuyện.
Không một người dân làng, ngay cả ông giáo sĩ, dám cất tiếng với vị
Bhagát đã cứu sống họ. Họ náu dưới các gốc thông, chờ sáng. Sáng ra, họ
nhìn qua thung lũng: nơi vốn là rừng, là ruộng bậc thang, là bãi cỏ chằng
chịt lối mòn, giờ là một vết hoen hình quạt mới nguyên, đỏ ối. Một vài cây
bị nhổ bật nằm sóng soài trên sườn dốc, ngọn chỉ về phía dưới. Vệt đỏ chạy
ngược lên tận quả đồi họ lánh nạn, ngăn đứng con sông nhỏ, làm nó lan ra
thành một hồ nước màu gạch. Còn nơi dựng làng, còn con đường lên miếu,
cả khu rừng phía sau, thì chẳng còn mảy may dấu vết. Một dặm chiều
ngang và hai nghìn bộ sâu thẳng đứng của sườn núi đã rời đi gọn ghẽ, bị
san phẳng từ đầu đến chân.
Dân làng, từng người một, rón rén luồn qua rừng đến nhìn vị Bhagát của
họ. Họ thấy Baraxinh đứng bên người: con thú bỏ chạy khi họ tới gần. Họ
nghe đám Langua rền rĩ trên cành và Xôna nức nở trên đồi Nhưng vị
Bhagát của họ đã tịch: người ngồi xếp bằng tròn, lưng tựa gốc cây, gậy cắp
nách, mặt hướng về đông bắc.
Vị giáo sĩ nói: “Xem kìa, hết một phép màu lại đến một phép màu nữa, vì
tất cả các bậc Xuniaxi phải được mai táng trong chính tư thế này ? Cho
nên, tại chính nơi Người đang ngồi đây, chúng mình sẽ xây một ngôi đền để
thờ vị thánh của làng ta”.
Họ xây đền thờ trước khi bước sang năm mới, một ngôi miếu nhỏ bằng đất
và đá, và gọi quả đồi này là đồi Bhagát. Cho đến ngày nay, họ vẫn thờ cúng
ở đó bằng đèn nến, bằng hoa, bằng lễ vật. Nhưng họ không hề biết rằng vị
thánh họ thờ nguyên là Ngài Purun Đax, Tiến sĩ, Hầu tước Hiệp sĩ, Huân
chương của Đế chế Ấn Độ vân vân..., có thời là tể tướng bang Mshinioala,
một bang cấp tiến, đã khai hóa, còn là hội viên danh dự hay thông tấn của