trong thung lũng này. Đúng rồi, ta phải đi báo cho họ dưới làng. Lùi ra,
người anh em ? Để ta đến bên bếp”.
Baraxinh miễn cưỡng lùi lại, Purun Bhagát dúi cây đuốc thông vào ngọn
lửa, xoay tròn cho đến khi nó cháy to. Ông đứng lên: “À ! Người đến báo
cho ta biết đấy ! Nhưng cả hai ta phải làm hơn thế, phải làm hơn thế nữa.
Giờ, ta đi thôi, người anh em, cho ta nhờ lưng của ngươi, ta chỉ có hai chân
thôi mà”.
Tay phải ôm chặt u vai của Baraxinh đầy lông chĩa ngược, tay trái giơ cao
cây đuốc, ông bước ra khỏi miếu, đi vào đêm đen tuyệt vọng. Không một
sợi gió, nhưng mưa thì suýt dìm tắt ánh lửa khi con hươu lớn hối hả xuống
dốc, trượt hai chân sau. Vừa ra khỏi rừng, nhiều người anh em khác của
Bhagát cùng nhập bọn. Mắt ông không thấy, nhưng tai ông nghe đám
Langua xúm xít quanh ông và phía sau, tiếng khụt khịt của Xôna. Mưa bện
quánh mái tóc dài bạc phơ, nước tung toé dưới đôi chân trần, chiếc áo
khoác choàng dính chặt vào thân già còm cõi, nhưng ông cứ bước xuống,
rắn rỏi, tựa người vào Baraxinh. ông không còn là một vị thánh. Giờ đây,
ông là Ngài Purun Đax, H. H.Đ.A., tể tướng một bang không nhỏ, một con
người quen hạ lệnh, giờ đang đi ra để cứu muôn người. Dọc con đường dốc
đứng lầy lội, Bhagát với những anh em của người tụm lại mà cùng nhau
dồn xuống, cứ thế mà xuôi, xuôi mãi cho đến đầu con đường làng khúc
khuỷu.
Bhagát đập gậy vào cái cửa sổ chấn song của nhà bác thợ rèn, ngọn đuốc
của ông loé lên dưới mái hiên. “Dậy đi, ra đây.” Purun Bhagát kêu lên, mà
không nhận ra giọng mình nữa, vì đã bao năm ông chẳng hề nói ra với ai.
“Núi sập ! Núi đang đổ ! Mọi người trong nhà dậy đi, ra đây !”.
“Bhagát của chúng ta đấy !” Vợ bác thợ rèn kêu lên. “Người đứng giữa đàn
thú của người. Đưa lũ trẻ lại đây, gọi mọi người đi”.