ông ngồi bên bếp lửa. Đồng ruộng đổi màu cùng với các mùa, những sân
đập lúa đầy lên, rồi lại vơi đi, rồi lại đầy lên. Cứ thế, cứ thế mãi... Mùa
đông đến, thì lũ Langua lại nô đùa trên những cành cây phủ tuyết nhẹ, cho
đến khi các khỉ mẹ bồng những đứa con nhỏ mắt buồn rượi mà trở lên với
mùa xuân, từ những thung thấp ấm áp hơn. Trong làng, chẳng lắm đổi thay.
Ông giáo sĩ đã già đi, nhiều đứa trẻ trước kia từng cầm chiếc bát xin ăn lên
đây, thì nay đã sai chính con cái mình làm việc đó. Và khi có ai hỏi dân
làng vị thánh của họ đã sống trong ngôi miếu thờ Kali trên đỉnh đèo tự bao
giờ, thì họ trả lời: “Vốn thế từ xưa”.
Rồi ập tới những trận mưa hè mà vùng sơn cước chưa hề biết đến từ nhiều
mùa rồi. Suốt ba tháng ròng, thung lũng chìm trong mây và sương mù sũng
nước: cứ thế, mưa đổ xuống không ngừng, như cầm vò mà trút, không một
phút ngơi, rồi vỡ tung thành sấm rền thác đổ, hết cơn này đến ngay cơn
khác.
Gần suốt thời gian ấy, ngôi miếu Kali ở bên trên mây: một tháng tròn,
Bhagát không hề thoáng thấy làng bên dưới. Làng đã bị dồn gọn dưới cả
một thềm mây trắng: mây đung đưa, dịch chuyển, xoay cuồn cuộn, rồi đùn
lên cao, nhưng không bao giờ dứt ra khỏi bến bờ của nó, không hề rời các
sườn thung lũng tuôn trào nước.
Suốt thời gian ấy, ông chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng một triệu dòng nước
nhỏ từ ngọn cây trên đầu tuôn xuống, chảy trên mặt đất dưới chân, đẫm qua
lá thông, nhỏ giọt từ những lưỡi lê thê của loài dương sỉ, toé lên trong cái
rạch bùn mới lở dưới sườn đồi. Rồi mặt trời ló ra, toả ngát hương thơm của
hồng sắc, của đỗ quyên, cả mùi hương xa xôi mà trong lành dân sơn cước
quen gọi là “hương tuyết”.
Nắng ấm kéo dài được một tuần, rồi thì mọi cơn mưa bỗng tụ lại để đổ trận
cuối cùng, và nước tuôn xuống thành mảng, thành mảng lóc da ngoài của
đất ra, dội trở lại thành bùn. Đêm đó, Purun Bhagát chất cao bếp lửa: ông
tin chắc những người anh em mình cần ấm. Nhưng không một con vật nào