Hôm Sài Gòn giải phóng, chồng tôi lôi tôi và năm đứa con ra sân bay.
Sợ phải xa quê tôi khóc như mưa. Con Chao con Chát bảo, mẹ cứ nghe lời
dượng đi đã, còn người thì còn quê. Tôi sang đến nơi thì thằng út bỏ tôi đi
vì dịch tả. Vậy là còn bốn đứa con. Chúng tôi ăn ở tạm bợ nơi đất khách hết
năm này sang năm khác, chỉ ngong ngóng sao ông trời có mắt, thương cái
tâm thành của tôi mà cho tôi về gặp lại anh chị, gặp thằng Mè thằng Cam.
Ông trời nghe thấy tiếng tôi cầu nên đã chỉ đường cho thằng Mè. Hôm
nó đánh điện sang xưng cháu là cháu ruột của cô đây, tôi chết lặng đi rồi
khóc như đứa trẻ bị nhốt trong nhà lâu ngày bỗng có người mở cửa cho ra
ngoài.
Tôi nhớ đận thu xếp về thăm quê lần đầu, chị không khóc cũng chẳng
cười, cứ như cái ngày tôi còn ở với chị vậy. Chị bảo cô sống ở đâu làm gì
thì cũng là em tôi. Lúc nào tôi cũng nhắc các cháu, đứa nào có cơ hội là
phải tìm cho bằng được cô. Nhà chỉ có hai anh em chứ nhiều nhặn gì. Nay
thì anh cô chẳng còn. Trước lúc nhắm mắt, ông ấy dặn đi dặn lại bằng ấy
đứa con rằng chúng mày còn một bà cô đấy, đừng có để cô ấy phiêu dạt
một mình.
Chị à. Nay tôi về dễ cũng là lần cuối. Đàn bà con gái lấy chồng thì
theo chồng, ai cho về quê mà nằm nữa. Tôi sinh ra ở đây mà chẳng được về
cõi ở đây với anh chị, với mẹ cha...
Bà Thung lại khóc, tiếng khóc nghẹn lắm, nhưng vẫn cố nói cho hết
nhẽ. Ở bên đó tôi thèm cái mùi đồng đất quê mình quá chị ơi! Tôi đã về đây
mà sao tôi vẫn nhớ quê thắt ruột thắt gan thế này? Tôi đi lần này chắc
chẳng còn về lại được nữa chị ôi! Âm dương cách trở đôi đường, còn ân
còn nghĩa còn đường về nhau...
- Bà nội hát thơ đấy à? Hát to cho cháu nghe với! -Tiếng thằng Núi
ghé ngay bên tai làm bà Thung giật mình. Bà kéo vạt áo thấm nước mắt