mẹ bây giờ. Tôi đứng như chôn chân dưới đất. Đám cỏ đã ướt sương. Trăng
còn thức. Mẹ tôi chưa ngủ. Nỗi buồn miên man chảy.
Sáng hôm sau, xe taxi đỗ ngay trước cổng nhà. Người đàn bà rề rà
bước xuống, một tay chống lưng, một tay đỡ cái bụng nặng nề của mình.
Nội tôi đon đả chạy ra như bắt được vàng. Một vài đứa trẻ con bỏ những đồ
hàng đang chơi dở, xúm xít trước cổng nhà tôi. Có đứa mắt chăm chú nhìn
người đàn bà lạ. Có đứa mê mải chạm tay vào chiếc xe ô tô xanh bóng
loáng và thi thoảng lại đưa mắt nhìn xuống cái ô tô đồ chơi bé tí đang nằm
gọn lỏn trong tay mình. Từ cổng vào đến nhà, bố đi thẳng, nhìn thẳng, nhất
mực không ngoảnh lại, dẫu vài ba tiếng rên rỉ, chật vật của người đàn bà
phía sau mình vang lên. Ông đang bận diễn sự thanh cao và trong sạch của
mình với cuộc đời. Cái đêm nội lựng khựng đi qua khoảng sân nhà để bước
sang nhà tôi, tay cầm tờ đơn ly dị trên tay, tôi đã xé toạc đi và gào lên trong
sự yếu đuối bất lực. Mẹ tôi thình lình ngồi dậy, kéo trong ngăn tủ một tờ
đơn ly dị khác đã ký sẵn. Mẹ rảo bước thật nhanh và ở bên nhà mới, tôi vẫn
nghe thấy tiếng mẹ gằn từng chữ:
- Ông ký ngay đi.
Có những đêm không nén được lòng mình, phần yếu đuối trong tôi lại
trỗi dậy. Những kí ức đẹp đẽ về bố cứ ùa về ngập lòng khiến tôi trào nước
mắt. Nhớ những ngày thu tháng tám, mưa sụt sùi, đêm đêm tôi lại xách đèn
theo bố sục sạo các khu vườn trong xóm để tìm ếch. Hoa bưởi lặng lẽ tỏa
hương. Tôi ngồi trên lưng ông, tay ôm lấy cổ ông và soi đèn theo hướng
ông bảo. Tôi cũng xem đó là một chuyến phiêu lưu. Mỗi chuyến trở về,
trong túi lưới của bố con tôi bao nhiêu là ếch. Mẹ nhặt vài con giữ lại để
nấu bữa giấm ếch với bánh đa, phần còn lại đem ra chợ bán. Những đứa trẻ
trong xóm cũng thường ghen tị với tôi bởi trò chơi thả diều trên đồng bãi
lúc nào tôi cũng có bố theo cùng. Nhờ có bố, diều của tôi bao giờ cũng cao
vút và rực rỡ nhất trong đám diều của lũ bạn. Không ngờ, đến bây giờ, bố
cách tôi chỉ dăm chục mét mà thực lòng tôi vẫn nghĩ mình là đứa trẻ mất