- Dạ, không có gì ạ.
Tiếng dạ thật ngọt, gây ấn tượng rất mạnh. Người vốn gỗ đá như tôi
mới nghe lần đầu mà cứ nao lòng. Cô gái cư xử thật khéo. Cầm khư khư
chiếc ống nghe, một cái gì đó dịu ngọt, lan tỏa. Tôi định gọi lại để nói lời
xin lỗi và cũng để kiếm cớ được nghe lại giọng oanh vàng, nhưng không đủ
can đảm. Không biết sẽ “kiếm chuyện” lấy cớ gì để “làm quà”? Chả hiểu
sao, đêm trực đó tôi như kẻ mất hồn, cứ thẫn thờ, ra ra vào vào, rồi vẩn vơ,
suy nghĩ.
Tôi là đã quen với những ca trực đêm, nhất là những đêm đông lạnh ở
biên giới. Nhớ những ngày tuần tra đứng trên đỉnh Cao Ba Lanh cao
1.050m so với mực nước biển, tôi đã thu vào tầm mắt một không gian tuyệt
đẹp, bao quát cả một vùng biên giới Việt - Trung, xa xa là lớp nhà sàn,
ruộng bậc thang, những cánh rừng màu xanh ngút ngàn. Lần đầu trên đỉnh
Cao Ba Lanh tôi đã mê mải với truyền thuyết về “bãi đá thần”- nơi có nhiều
hòn đá lớn hình thù dị biệt, được gắn với truyền thuyết khi xưa, khi những
toán cướp từ bên kia biên giới tràn sang cướp bóc, người dân đã gõ vào hòn
đá thần ấy. Từ bãi đá thần phát ra tiếng vang lớn làm cho toán cướp khiếp
sợ, hoảng loạn mà bỏ chạy thục mạng. Nhiều đêm trực trên đỉnh cao này,
tôi đã chạm tay vào những chứng tích của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới
do anh Hữu Tiến ở Đồn Biên phòng Bình Liêu kể lại, đó là giếng nước bộ
đội ta sử dụng khi đóng quân trên đỉnh núi, bệ gạch mà chiến sĩ đứng chào
cờ buổi sáng...
Từ sau sự kiện “nhầm nhọt” điện thoại, tôi lại cứ mong chờ đến khắc
khoải ca trực. Kể cả phải trực hết các ngày trong tuần cũng không sao. Kịch
bản có thể lặp lại. Mọi cái đều có thể. Tôi bỗng nhớ giọng nói ấy và tự
nhiên hát vẩn vơ “Chỉ nghe tiếng hát, chỉ nghe có tiếng hát mà đem lòng
yêu thương - Chỉ nghe tiếng hát mà lòng anh yêu thương”. Lên mạng “sớt”
google, tôi mới biết tên bài hát là “Em ở nơi đâu”của nhạc sĩ Phan Nhân.