Ngày mẹ ra đi, sông Miên bất ngờ cuồn cuộn những con sóng ngàu đỏ
như máu, xác trâu bò, nhà cửa lao ầm ầm về xuôi.
Chị em Nhâm thành ba đứa trẻ mồ côi nơi xó rừng. Sau ngày mẹ mất,
Nhâm không bắt gặp một giọt nước nào từ đôi mắt chị Nhiên, kể cả trong
ngày giỗ bố mẹ. Mọi đớn đau, buồn tủi tựa hồ những viên sỏi cần phải nằm
sâu dưới lòng suối.
Một mình chị Nhiên gánh vác việc hoa màu, cây trái trong vườn đồi.
Hàng ngày, chị dậy nấu cơm từ mờ sáng cho hai đứa em rồi lặng lẽ vác
cuốc, vác quà lên đồi. Có những sớm mùa đông Nhâm dậy học bài, bếp lửa
góc nhà còn ấm sực, thơm nôn nao mùi cơm, chị Nhiên đã đi rồi.
Nhâm chạy ra cửa, sương trắng ảo mờ từ mặt sông ùn ùn bay vào nhà.
Nghĩ đến đôi gót chân trắng hồng của chị Nhiên khi lội qua lòng suối, tự
nhiên chân Nhâm co cứng lại như bị chuột rút. . Nhà anh Thao với nhà
Nhâm ở trên một quả đồi lớn, cách nhau một vạt chè cổ thụ.
Anh Thao học cùng lớp với chị Nhiên. Ngày bố mẹ chưa mất, chị em
Nhâm thường chơi với mấy anh em anh Thao ở vạt chè ấy. Đã nhiều lần chị
Nhiên, anh Thao phải vào vai cô dâu, chú rể để lũ em chơi trò đám cưới. Cả
hai người thẹn thò đến tội nghiệp.
Chị Nhiên chữa thẹn, bảo: “Chiều lũ ranh con thôi, chứ ai mà thèm lấy
người như ông, Thao nhỉ?”. Anh Thao mặt đỏ bừng, nhưng cũng không
chịu thua: “Cứ đợi đấy, tránh của nào trời trao của ấy, nhé!”.
Rồi anh cười, hai hàm răng trắng như sứ, hàng ria con kiến lún phún
xanh. Anh Thao học tiếp cấp ba trường huyện, sáng đạp xe đi đến đầu
chiều mới về tới nhà, còn chị Nhiên, dù thi đỗ nhưng cương quyết không
học nữa. Bố mẹ nói thế nào chị cũng không nghe.
Anh Thao sang nói chị cũng không nghe. Khi anh về rồi, chị ra gốc ổi
găng ngồi khóc. Chị bóc hết những cái giấy khen trên tường nhà, xếp gọn