sách vở vào chiếc hòm con rồi để lên gác xép. Và không bao giờ chị lôi
chiếc hòm ấy xuống nữa. Mấy vạt đồi cam nhà Nhâm quả sai lúc lỉu từ đôi
tay bé nhỏ của chị Nhiên.
Sau khi bố mẹ mất, anh Thao vẫn thường tranh thủ lúc nghỉ học sang
nhà Nhâm làm giúp những việc của đàn ông. Khi thì anh quây lại cho mấy
chị em cái nhà tắm bằng lá cọ, khi thì làm cái giá bát, lúc lại ghép chiếc cầu
ao. Những lần anh Thao bận ôn thi không về, chị Nhiên ra cầu ao ngồi, mắt
soi sâu vào lòng ao lạnh lẽo. Từng đám mây in bóng trên mặt ao vùn vụt
bay trong mắt chị.
Có một lần Nhâm nói với chị Nhiên là Nhâm không muốn đi học,
Nhâm chỉ muốn ở nhà dìn díu sớm tối với chị thôi. Chị Nhiên không nói gì,
không khóc, trân trối nhìn Nhâm. Cái nhìn quặn thắt khiến Nhâm sợ. Nhâm
chỉ biết học chăm hơn, tranh thủ làm nhiều hơn để chị đỡ khổ.
Một mình quần quật nắng mưa với mấy quả đồi mùa nào thứ nấy, chị
Nhiên vẫn cứ đẹp. Mẹ cha sinh ra chị. Núi đồi tạc nên những đường cong
săn căng trên cơ thể chị. Hoa đào hoa mận tháng giêng thấm vào da thịt chị.
Mắt chị chứa cả dòng sông diệp lục, miên man xanh và buồn. Anh
Thao học xong cấp ba, rồi học cao đẳng sư phạm trên tỉnh. Anh ngày càng
cao lớn và điển trai. Vẫn hàm răng trắng sứ. Vẫn ánh nhìn ấm áp, chở che.
Vẻ đàn ông càng được tôn lên bởi bộ râu quai nón xanh rì. Anh Thao ít về
nhà hơn, nên mỗi lần anh về là chị Nhiên thức thật khuya.
Hai người thường ngồi trên cầu ao. Chiếc cầu được ghép từ những
phần gốc tre già hong gác bếp anh làm ngày trước, giờ đã nhẵn thín. Bóng
hai người rung rinh trên mặt nước. Trăng lênh đênh sáng. Hương hoa chè,
hoa cam thổn thức thơm, thơm thâu đêm.
Có đêm anh chị ra bờ sông Miên ngồi. Khi chị Nhiên về, chui vào
chăn, Nhâm thấy mùi sông còn vương khắp người chị. Nhâm đỗ vào cấp