Lại nửa ngày nữa cũng không ngã ngũ làng hay phố, cuối cùng “dĩ hòa
vi quý”, hòa cả làng với cái tên: Hội giỗ thành hoàng! Chuyện tên hội coi
như xong. Chuyện làm cỗ cũng đau đầu không kém. Cụ này bảo, góp tiền
thuê người ta nấu mang đến vừa ngon vừa đẹp, người làng lại có thời gian
chơi trò chơi, tế lễ, hầu bóng...
Cụ khác nói, cứ giữ kiểu làm cỗ cũ, đặc trưng của hội làng Cối, để các
bà, các cô tha hồ trổ tài nấu nướng, tỉa hoa, sắp lễ, sắp cỗ... cả làng mình ăn
chung với nhau bữa cơm, con cháu ngồi nấu nướng mới có thời gian
chuyện trò gần gũi, chứ ăn ào một cái rồi về thì khác gì đi ăn cỗ cưới ngoài
khách sạn.
Lập tức có ý kiến phản bác ngay rằng con cháu mình dám nghỉ nhà
máy mà ở nhà nấu cỗ đấy à, sợ nó chả về mà ăn nữa ấy, nghỉ có vài mươi
phút giấc trưa thôi. Gọn nhẹ để chúng nó còn đi làm chứ. Rồi còn thu dọn
rồi nghỉ ngơi lấy sức mà đi làm ca đêm...
Vài cụ thở dài đánh sượt bảo, cứ thế này thì tình làng nghĩa xóm có
mà mất hết, còn đâu cái làng Cối ngày xưa nữa... Công cuộc bàn chuyện
làm cỗ đang lúc ngổn ngang thì anh Đậu về tới.
Đỗ ô tô ngay giữa sân đình, anh chạy hớt hải vào nhà tả vu, nơi các vị
đại diện đang sôi nổi tranh luận:
- Con về sớm báo các cụ tin vui cho các cụ đỡ lo ạ. Có anh bạn con
đang muốn tài trợ cả phần lễ lạt cho phố ta, phần cỗ bàn con và các anh ấy
lo hết. Năm nay con sắm đủ cả bộ khăn áo mới cho các cụ làm lễ tế thành
hoàng nhé, năm đầu tiên lên phố là cứ phải “rực rỡ” các cụ nhé.
Cụ già nhất thư thả bảo:
- Việc làng xưa nay là do người làng mình xúm vào làm, phục vụ làng
để lấy lộc nên chưa cho người ngoài góp bao giờ, anh tính kĩ xem người
làng Cối, à, phố Cối không được góp cỗ là không xong đâu.