- Món bánh khúc, bố con ngày xưa thích ăn lắm, con rủ mấy cô bạn
gái sang đây, mẹ dạy cho mà làm. Mấy đứa xúm lại làm đủ các loại bánh
người làng Cối xưa nay vẫn ăn, rồi mang ra đình lễ thánh. Người ta đặt cỗ
làm sẵn, thì không có bánh trái gì để cúng đâu con ạ, cúng cỗ làng Cối mà
cứ giống như nhà hàng thì còn gì là làng Cối nữa... với lại, cơm xôi rượu
thịt thì ở đâu chả giống nhau...
- Mẹ ơi, con định hôm tới đây mời anh ấy sang làng mình dự hội, con
khoe với anh ấy về hội làng mình, anh ấy thích lắm...
- Tôi chỉ bịa ra nói để thằng kia nó tránh cô ra, với lại để người ta
đừng bắt cô đội lễ thôi.
- Nhưng mà...
- Thôi, cô qua mà thăm bạn thăm bè, mẹ về trước nấu cơm, còn xem
thằng Khiếng nó biết kết quả thi đại học chưa đã.
Hưởu bước thấp bước cao qua bến sông, cái bến sông ngờm ngợp cỏ
dại, dưới ấy, lũ cua cáy vẫn đang đào hang sinh con đẻ cái. Hội làng năm
nào Hưởu cũng lúi húi dưới trệ sông bắt chúng nhưng chưa từng bỏ con nào
vào giỏ...
Mai này người ta mà xây kè thì lũ cua cáy sẽ đào hang đẻ con ở đâu
hay lại di cư về bến sông khác?
Mà thôi, kệ sông kệ nước kệ cua cáy với đê kè... Hưởu qua bãi cỏ mọc
nhiều cây rau khúc, hái một nắm rõ to để mang về dạy con làm bánh. Sau
này, nếu bến sông không còn chỗ cho rau khúc mọc, Hưởu sẽ mang về
trồng ở vườn nhà, trồng thêm mấy bụi dong ta lấy lá gói bánh, lót mâm.
Vườn nhà Hưởu chỉ trồng mấy cây linh tinh vậy thôi, để thằng
Khiếng, con Phấm đi đâu thì đi, sau này có về, có cho con cái nó về, còn có
lá mà làm bánh, những thứ bánh người làng Cối chết rồi vẫn còn thích ăn.