Cũng từ đấy, mỗi khi ngồi cùng tôi, bà không khóc nữa, ít nhất là
không thấy nước mắt bà chảy ra, bất kể là bà đang nói chuyện bác Dệu hay
chuyện bố tôi. Tôi ngồi học ở chõng, cạnh chỗ bếp bà ngồi tráng bánh.
Bà tráng bánh trên miếng vải bịt miệng nồi đồng, vung to như cái nón,
mỗi lần giơ gáo dừa múc bột đổ lên vải, bà lại liếc nhìn xem tôi có chăm
chú học không. Bánh chín, bà lấy đũa dài khều ra, rải lên phên nứa để phơi,
rồi lại múc, lại tráng.
Cứ mỗi lần đổi động tác, bà lại liếc sang bàn coi tôi học. Chừng nào
tôi làm xong bài, bà cuộn cái bánh vừa chín nóng hôi hổi, vừa thổi vừa đưa
tôi ăn, bà có bát gạch cua chưng tóp mỡ để dành riêng cho tôi chấm, vừa
ngậy vừa bùi, tôi cắn hai miếng đã hết, bà cười móm mém bảo, tiên sư bố
nhà chị, con gái con đứa mà ăn hỗn như bác Dệu mày vậy, ngày trước, cứ
tối nào bà tráng bánh là bê cái chõng này xuống đây ngồi, bảo, con ngồi với
mẹ để mẹ tráng bánh cho vui chứ thực ra là để rình bà tráng bánh ấy mà.
Tôi cười khúc khích: Bác Dệu khéo nịnh bà nhỉ.
Nghe tôi nói vậy, giọng bà chợt trở nên sôi nổi: Ừ. Nó còn bảo bánh
vừa dẻo vừa dai vừa thơm phưng phức như mùi mẹ!
Tôi biết bà thích nghe truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên nên cứ hôm
nay đọc một đoạn truyện này thì mai lại đọc đoạn truyện kia. Mà tôi đọc
vậy, chứ bà thuộc làu làu rồi, tôi đọc câu nào sai, bà nhắc lại ngay, bảo, câu
ấy ngày trước bác Dệu đọc như vầy cơ mà, rồi bà tiện mồm ngâm luôn cả
một đoạn.
Vừa ngâm thơ vừa múc bột, rồi xoay cái gáo dàn đều trên vải, dàn
thêm một gáo bột nữa lên trên, lại khều cái lớp bột mới chín ấy ra rải lên
phên phơi... lần nào tay bà cũng làm bằng ấy động tác, đều tăm tắp theo
nhịp đọc thơ y như đôi tay cô văn công múa ở sân kho hợp tác. Trong bóng