Hoài cầm chiếc áo chơ vơ. Mà giọng Duyên sao lạ quá, tựa như tiếng
gió lách qua tán lá. Chắc tại người ta sống ở nước ngoài lâu nên đổi giọng.
Đưa giỏ đây tui xách cho, nãy giờ đi bộ từ chợ về tới đây cũng mấy cây số
đấy. Hoài đưa tay tính cầm giỏ, Duyên khoát khoát né ra từ chối. Hoài nghe
đắng xộc lên mắt. Người ta có chồng rồi mà.
Hoài tủi tủi nghĩ thôi chứ không dám nói. Năm năm, Hoài đi tới đi lui
Vàm Cái Đôi nhà Duyên, ai nói gì thì nói, chuyện Duyên lấy chồng Hàn
Quốc không ảnh hưởng đến sự chờ đợi của anh. Mà cũng tại Hoài hết, tới
cái chuyện lo cho ba má Duyên cũng không lo được thì trách Duyên nỗi gì.
Nếu Hoài lanh hơn, siêng hơn, có sẵn tiền ngay lúc cô cần cho ba cưa
cái chân hoại tử thì Duyên đâu nghe lời bà mai lấy chồng đổi vài ngàn đô.
Vậy trách Duyên là trách làm sao? Có trách thì trách Hoài thôi. Lúc Duyên
lên Sài Gòn cho người ta coi mặt, Hoài cản nói để ít ngày, anh kiếm được
tiền trả cả vốn lẫn lời cho người ta là xong, cớ chi mà đi lấy một người xa
lạ, mình không biết là ai, không biết ở đâu.
Duyên khóc nói Hoài kiếm sao được mà kiếm, anh mồ côi, nuôi thân
một mình đã chật vật còn muốn cưu mang thêm Duyên nữa sao. Duyên làm
vậy coi sao được. Hoài nói. Mình làm được mà, miễn là Duyên cho Hoài
thêm ít ngày.
Duyên đứng phắt dậy, bờ cỏ mé sông chỗ hai đứa ngồi rung rung như
muốn vỡ. Cản Duyên chi, Duyên không còn yêu anh nữa. Duyên muốn ra
khỏi con sông Vàm Cái Đôi rác rưới thấy ghê hà, ở với Hoài lấy cái gì ăn,
Duyên muốn sống sung sướng đó, có được không? Hoài khựng lại. Trời ơi,
Duyên nói vậy thì anh còn biết làm sao hơn.
Duyên bước thiệt nhanh về phía nhà. Chỗ Duyên ngồi khi nãy đột
nhiên sụt òa xuống sông, Hoài trượt chân té xuống. Không muốn lên bờ
nữa, anh bơi một mạch sang bờ bên kia... Để Hoài đưa em về. Hoài ngắc
ngứ, ráng nói thiệt chậm để Duyên nghe rõ sự thao thiết của mình mà cho