Tiếng bà hòa lẫn tiếng chuông: “Ta chưa nghe bao giờ.” Xẩm tối, giữa
sân chùa, ở miền non cao tít tắp này, lũ chuồn chuồn túa ra như vỡ tổ,
chẳng bay cao cũng không bay tà tà mặt đất, cả nghìn đôi cánh mỏng cứ
chờn vờn ngang tầm mắt con người. Bà lang vừa thái thuốc vừa giải thích,
chuồn chuồn ở đây không báo mưa báo nắng, mà nhắc phận người chuyển
kiếp đầu thai. Bà nổi tiếng cả vùng Quai Xanh với loại thuốc chữa căn bệnh
trầm kha về trí nhớ.
Lạ lùng, chính bà lại quên mình đến từ đâu. Ai hỏi, bà chỉ một mực
nói mình từng là sơn nữ. “Ngay khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy cô, ta biết
duyên lành đã tới, ta truyền cho cô tên vị thuốc cuối cùng, quan trọng nhất.
Cô hãy nhớ, đó là những búp trà trinh nguyên được tái sinh trong đau đớn.”
Lời bà lang trổ sâu vào tâm trí tôi khi ngửa mặt nhìn trời chỉ thấy những
cánh chuồn kéo về bóng tối.
Mẹ lại gọi điện. Không phải để hỏi thăm tôi sống thế nào, mà nói rằng
cha vẫn nằng nặc đòi đi. Cha nói với mẹ rằng tôi xin bà đấy, chỉ một lần
thôi... Tôi cứ giữ mãi điện thoại bên tai mà ứa tràn nước mắt. Tôi biết, đầu
dây đằng kia mẹ cũng thế. Từ ngày xuất ngũ, cưới vợ, có con, bao năm
tháng cuốc cày cực nhọc, đau ốm thuốc thang…, cha chưa hề hé răng xin
xỏ hay kêu ca với ai.
Đây là lần đầu tiên cha mở lời xin. Cái kí ức về một thời trai trẻ ở cái
đất nước xa xôi ấy thật không dễ giãi bày hoặc lãng quên, nó ngày càng lớn
dần lên, thúc giục cha phải đi. Với cha, chuyến đi này là để trở về. Trong
buổi chiều mùa đông trên vùng Quai Xanh biên ải, giữa những cánh chuồn
chuồn lượn rợp, tôi đã đồng tình với cha. Với tất cả những cuộc trở về.