xuống hè đường, trượt đi một đoạn dài. Tội nghiệp, lần ấy ông gãy bốn
răng cửa, phải khâu tám mũi ở mặt và nằm viện hai tháng…
Lão Từ thở dài, nghĩ sao giống cảnh ngộ ông giám đốc Quy Hòa, sát
nhà lão. Nhận quyết định hưu rồi, nhưng ông giám đốc không muốn vợ và
hàng xóm biết mình phải về vườn. Ông gặp lãnh đạo mới, xin chiếu cố
hoàn cảnh, cho ông tiếp tục thuê xe và điều lái xe cơ quan một tuần đến
đón hai lần, như đi làm việc. Chỉ cần đúng giờ đến đón, rồi thả ông xuống
chỗ nào cũng được. Chiều ông sẽ hẹn một chỗ nào đó để đưa về. Ông hứa
trả tiền xăng và bồi dưỡng lái xe chu tất.
- Nhiều chuyện về hưu tức cười lắm - Bà Loan lại kể - Nghe nói, có
ông giám đốc nhà hát về hưu, tối nào cũng đến công viên, đứng trên bục
sân khấu ngoài trời hàng giờ. Ông tưởng tượng như mình đang sắm vai
nghệ sỹ, hoàng đế, thi nhân… Và dưới kia là bạt ngàn người xem, với hoa
tươi và những tràng vỗ tay, hoan hô cuồng nhiệt…
***
Lão Từ bắt đầu “nghiện” bệnh viện. Hai tuần không đến phòng khám
là lão lại thấy nhớ.
Nhưng rồi, lão chẳng phải mong ngóng lâu. Một cơn gió lạ làm lão đột
qụy, phải vào nằm viện, phòng cấp cứu.
Bỗng nhớ câu thơ Đỗ Phủ: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Lão sáu ba
tuổi, còn bẩy năm nữa mới đạt tới câu thơ của người xưa. Vào nằm viện để
ngẫm nghĩ cái sự đời. Như Abutalip của Gamzatốp khuyên phải đến bệnh
viện để chiêm nghiệm lại đời mình. Hóa ra con người, dù kinh bang tế thế
đến đâu cũng không cưỡng được quy luật sinh học.
Cuối đợt điều trị, bác sỹ chuyển lão về bệnh viện Đông y để kết hợp
trị liệu, hồi phục sức khỏe. Lão như qua một cuộc đại tu. Như chiếc xe bò
được lắp động cơ, muốn vận động và thử gân cốt.
Một ngày đẹp trời, lão Từ chống cây thiền trượng, một loại ba-toong
hiện đại do đứa cháu đi hội chùa Yên Tử mua tặng, dạo bộ quanh khu phố
viện Đông y. Ơ, cơ quan lão kìa, quá gần với viện Đông y. Lão Từ đứng tần
ngần một hồi, nhớ lại những ngày làm dự án, xây dựng đề tài…Nghe nói
dự án bảo tồn “ Kho tàng tiếu lâm dân gian phi vật thể vùng Cổ Hến” sắp