Vị khách ngẩng lên. Một gương mặt xương gầy, bộ râu quai nón thưa
màu nâu nhạt, mũi cao, đôi mắt trũng sâu nhoà sau đôi kính trắng gọng
vàng.
- Thank you. I am French - Canadian. Can you speaking French? (
Cám ơn. Tôi là người Canada gốc Pháp. Ông có thể nói tiếng Pháp được
không?) - Người khách ngoại quốc nói tiếng Anh một cách khó khăn. Ông
ta đứng lên, chìa tay và hơi nhún vai lịch thiệp. Rồi cả khuôn mặt ông dãn
ra, hồ hởi, hứng thú, vì hình như ông đã gặp được người cần gặp ở xứ sở xa
xôi này.
- Ô, rất sẵn sàng. Tôi vốn học tiếng Pháp từ nhỏ - Bằng một giọng
Paris chuẩn đầy ngữ điệu và biểu cảm, nhà văn đã làm cho người khách
sửng sốt và kính trọng.
- Tôi như đang gặp chính đồng hương mình ở giữa mảnh đất lịch sử
này, thưa ngài. Rất cám ơn ngài đã quan tâm. Vừa nãy tôi quá xúc động vì
được xem lại tấn thảm kịch của người Pháp ở đây sáu mươi năm trước .…
Tôi là Ferdinand Fremont, người Pháp. Lẽ ra tôi phải đến đây từ rất lâu…
Cha tôi chết trận ở vùng lòng chảo này… Bây giờ tôi vẫn không biết xương
cốt người ở đâu?
- Cha ông ư? Xương cốt ư? - Lê Dân hỏi lại. Vì ông sợ mình nghe
nhầm.
- Vâng. Cha tôi là một sĩ quan quân đội Pháp. Ông đã bị pháo binh
quân đội của Tướng Giáp hạ sát trong một cuộc nhảy dù xuống Điện Biên
Phủ.
***
Cuộc gặp tình cờ ở bảo tàng Điện Biên, là duyên cớ của một tình bạn
giữa nhà văn Lê Dân và Tiến sĩ sinh học người Canada gốc Pháp Ferdinand
Fremont.
Cha đẻ Ferdinand Fremont là Christian Garrand, một người dòng dõi
quý tộc, quê ở vùng Moret sur Loing, gần lâu đài Fontainebleau nổi tiếng.
Thế chiến thứ hai, thời kỳ phát xít Đức chiếm đóng Paris, ở tuổi mười sáu,
Garrand đã tham gia phong trào yêu nước do tướng Charlles de Gaulle lãnh
đạo. Năm 1948, tốt nghiệp xuất sắc trường Quân sự Saint Syr, Garrand