được xung vào đội quân viễn chinh, chiến đấu ở chiến trường Bắc Phi.
Cuối năm 1953, Đông Dương nguy cấp, Garrand, với lon đại uý, được điều
gấp sang Đông Dương, phục vụ trong Tổng hành dinh của tướng Cogny, tư
lệnh quân đội Pháp ở miền bắc Việt Nam, đóng bản doanh tại Hà Nội.
Ngày Christian Garrand tạm biệt vợ con lên đường sang Đông Dương,
cậu bé Ferdinand mới chập chững tập đi. Cậu không nhớ rõ mặt cha và
không hề có ý niệm gì về cuộc tiễn đưa đẫm nước mắt của người mẹ, mà
chỉ mấy tháng sau đã trở thành goá phụ khi mới ở tuổi 25.
- Sang Hà Nội được ba tháng thì cha tôi được lệnh tăng cường cho Tập
đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - Ferdinand Fremont mở đầu câu chuyện khi
hai người ngồi uống cafe ở phòng bar khách sạn Mường Thanh - Đây là
thời kỳ đội quân của đại tá De Castries đang hấp hối. Cánh cửa thép phía
bắc với ba pháo đài mà báo chí Pháp khoe là bất khả xâm phạm: Beatritx (
Him Lam), Gabrien (Độc Lập), An Mari ( Bản Kéo ) bị phá toang. Trung tá
pháo binh Pirôt vì sợ hãi và xấu hổ phải tự sát. Quân của Tướng Giáp từ
trên núi cao tràn xuống bủa lưới bao vây sân bay Mường Thanh, cắt đường
tiếp tế. Tướng Cogny nói với cha tôi: “Tổng hành dinh điều đại uý mang
mật lệnh của tướng Hăngri Nava và là sĩ quan đốc chiến tăng cường cho
Điện Biên Phủ. Đây là cơ hội để chúng ta chứng tỏ bổn phận và sứ mạng
với nước mẹ Đại Pháp. Đại uý hãy viết di chúc để lại cho vợ con…”
- Di chúc ư? - Nhà văn Lê Dân kinh ngạc, không kìm được, vội hỏi.
- Vâng. Di chúc, theo đúng nghĩa đen của văn bản này. Ngài là một
nhà văn, nên tôi rất hân hạnh được ngài tận mắt xem những gì cha tôi viết ở
Hà Nội đúng 60 năm trước.
Vị tiến sĩ người Pháp lấy từ trong cuốn sổ một chiếc bì thư đã ố vàng,
rồi thận trọng bày lên bàn, trước mặt nhà văn, những trang viết còn ố vàng
và cũ kĩ hơn. Những dòng ghi chép vội vã, nét chữ run rẩy, xô lệch, chứng
tỏ người viết đang trải qua một cơn chấn động tinh thần và cảm xúc ghê
gớm.
Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 1954.
Alice thân yêu!