Tiếng Miên yếu ớt, xa xôi như ở đâu đó. Vậy mà anh giật mình bừng
tỉnh. Lắng tai, anh nhận ra có tiếng rao ngoài phố, tiếng của một chiếc loa
pin văng vẳng trong đêm khuya khoắt:
- Bánh khúc đây… Tôi là bánh khúc đây…
Anh nhìn đồng hồ: Hai giờ mười lăm. Sao bỗng dưng Miên lại thèm
ăn bánh khúc vào giờ này? Đã ba hôm nay, nàng không muốn ăn gì. Vất vả
lắm mới chịu nuốt một thìa sữa và một thìa nước sừng tê giác mài bằng
chiếc máy li tâm. Mà cái ông bánh khúc cũng lạ. Dường như ông ta đạp xe
suốt đêm, hay là ông ta phải bán cho đến chiếc bánh khúc cuối cùng? Ái
ngại cho những thân phận người. Đổi cả một đêm dài trong mưa gió lạnh
chỉ mong kiếm được mấy ngàn đồng.
Anh vén lại chăn cho Miên và cúi sát bên nàng:
- Em muốn ăn bánh khúc thật à?
Miên mở to mắt nhìn anh và khẽ gật đầu. Cái nhìn của nàng cho anh
biết rằng hình như nàng đang trở lại tuổi thơ.
Đã bao lần Miên kể với anh về những năm tháng nàng về quê sống với
bà nội. Đó là những năm cha biền biệt ở chiến trường Tây Nam, còn mẹ
đang học hàm thụ ở trường Đại học Sư phạm để hy vọng chuyển vùng về
Hà Nội. Chớm đông, sau vụ gặt, là mùa rau khúc. Rau khúc, giống như một
loại cải cúc bé xíu mọc đầy đồng, có khi tạo thành những thảm màu xanh
bạc như được phủ nhẹ một lớp sương khói. Bà nội thường dẫn Miên ra
những chân ruộng chờ gieo mạ, tìm những đám rau khúc nếp lá to và dày
hơn đám rau khúc tẻ. Hương rau khúc thật khó tả. Nó được ướp đẫm sương
đêm và có mùi thơm ngọt thật quyến rũ. Chỉ chừng nửa giờ đồng hồ, hai bà
cháu đã có một rổ rau khúc tươi non.
- Bố mày ngày trước thích nhất món bánh khúc - Bà nội nói - Lần nào
bà làm bánh khúc, bố mày cũng tranh phần các anh chị, ăn đến no bụng,
không thiết cỗ bàn gì.
- Con cũng giống bố, con ăn no bánh khúc được - Nàng nói và hau háu
nhìn vào chõ bánh khúc đang toả mùi thơm ngậy.
- Cha bố cô. Chỉ cái tinh vi. Rau khúc bà giã nhỏ, bao nhân đậu xanh
với thịt ba chỉ, hành tươi, lại đồ trong xôi gạo nếp cái hoa vàng. Đặc sản