đấy cô ạ. Ngày xưa chỉ nhà quan mới được ăn bánh khúc này, chứ dân đen
làn gì có mà ăn.
- Sao lại thế hả bà? Tưởng rau khúc đầy đồng. Ai muốn ăn, cứ việc…
- Cái loài rau khúc này lạ lắm con ạ - Bà vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa
giảng giải cho Miên - Nói là loại rau của người giàu cũng đúng, mà bảo là
rau của người nghèo cũng không sai…
- Bà nói con chẳng hiểu gì cả.
- Cái thằng bố mày. Chỉ hay cãi. Món ăn của nhà giàu là như bánh
khúc bà đang làm đây. Một năm may ra nhà ta cũng chỉ được ăn một lần
vào đầu mùa, chứ làm gì có tiền mà ăn mãi được. Có rau khúc rồi còn phải
có thịt lợn, đậu xanh, hành, tiêu, và nhất thiết phải có gạo nếp cái hoa vàng.
Vào mùa chim mòng két, tức là mùa lúa tháng mười, có thêm con mòng,
con két đồ hấp lên chõ xôi, đi xa hàng cây số đã chảy nước chân răng…
Nhưng những thứ ấy không phải nhà nào, mùa nào cũng có. Đa phần người
nghèo hái rau khúc độn vào cơm, như độn ngô, độn khoai. Những nhà
phòng xa, mùa rau khúc còn đi hái về phơi khô để dành, tháng ba giáp hạt,
ghế lẫn với cơm cho đỡ đói…
- Thế thì con biết rồi - Miên bảo bà nội - Sau này con sẽ kiếm thật
nhiều tiền dành mua thịt, đỗ xanh, gạo nếp để bà làm bánh khúc cho con ăn
trừ bữa.
Ao ước của Miên vậy mà cũng chẳng thành. Khi đứa cháu kiếm được
tiền, thì bà nội cũng khuất núi. Mùa rau khúc, mỗi lần về quê tảo mộ, sau
khi thắp hương mộ bà nội, Miên thường đi tha thẩn hàng giờ khắp những
dược mạ để hồi nhớ về một quá vãng đầy thương mến êm đềm.
Hẳn bây giờ, vào lúc giữa đêm giá lạnh, Miên bỗng chợt nhớ đến bà
nội. Bánh khúc chỉ là cái duyên cớ.
Và anh vội vàng khoác áo ấm, ào xuống cầu thang.
Trời lất phất mưa. Cái lạnh như hàng ngàn mũi kim chích vào da thịt.
Người bán hàng rong nghe tiếng anh gọi liền quay xe lại. Dưới ánh đèn
đường, không nhìn rõ gương mặt giấu dưới chiếc mũ áo mưa, lại được
chiếc mũ cối xụp xuống mắt, nhưng qua giọng nói, anh biết người bán bánh
khúc còn rất trẻ.