được ! Nó có đui đâu ! Vậy là nó rề tới. Nó đảo - Thế nào nó cũng "sút"
hoả tiễn vào mình. Phải nói thật là lúc đó tôi có quýnh. Chân tôi đứng
không vững, xuồng cứ lắc lia. Nhưng tôi kịp nghĩ, quýnh thì chết, bình tĩnh
thời may ra có thể sống. Một trong hai lẽ phải chọn lấy một. Chọn thế nào ?
Tôi chọn lấy cái bình tĩnh. Nước cao hai thước, tôi trầm mình dưới đáy, còn
lâu hỏa tiễn mới đụng tới tôi. Nhưng trầm mình dưới nước thời bị động
quá. Không thấy đường mà tránh. Có khi vừa nhoi đầu lên hỏa tiễn nó gõ
ngay đầu cũng nên. Tôi bỗng nhớ một câu chuyện. Nghe nói ở Củ Chi hay
Bời Lời gì đó, có một anh cán bộ đang chạy xe đạp, cào cào từ sau bay tới
anh không hay. Nghe tiếng, anh đã thấy nó tới rồi. Hai bên đường trống
trơn. Anh không biết lủi đi đâu. Mỗi lần nó tắt máy cắm xuống, "sút" hỏa
tiễn anh lại đạp xe chạy, chạy ngoằn ngoèo như con rắn. Trái hỏa tiễn thứ
nhứt rơi phía sau lưng anh. Anh cứ chạy lằn quằn lít quýt như vậy. Trái thứ
hai rớt phía trái, trái thứ ba rơi bên phải. Đến trái thứ tư anh quay xe, chạy
ngược, trái thứ tư cũng xịt khói phía sau đít anh. Đúng bốn trái hỏa tiễn.
Vậy là nó hết đạn rồi. Nắm được cái nhược của nó anh dừng lại, ngoảnh
mặt cố nhìn lên nó và cười. Nghe chuyện ấy, tôi phục anh cán bộ đó quá.
Phục thì phải bắt chước. Mình cũng phải ở trên xuồng. Trầm mình dưới
nước, nó bắn không được thời nó sẽ "sút" vô xuồng. Bể xuồng thời chết
đuối.
- Quýnh mà nghĩ nhiều được như vậy à ? - Cũng cô gái hay chọc anh
lúc nãy lại chen vô nói. Lần này chị hỏi nghe có lý nên chẳng bị ai phản
đối.
Bị hỏi bất ngờ, chưa biết trả lời sao, anh cứ "ha hả".
- Tại sao ? Hỏi sao, à à nói thời nghe lâu vậy chớ lúc đó tôi nghĩ nhanh
lắm. ý nghĩ nó nhoang nhoáng qua đầu như trời chớp vậy. Tôi đã nói là
phải nhanh trí kia mà.
- Thôi, kể tiếp đi anh Bảy - một người lên tiếng giục.