Sau đó ba ngày, trong một trận tra tấn, khi một tên địch dùng bù loong
đập lên cổ anh, anh ngã quỵ xuống, giẫy một lúc, miệng há ra, rồi ú ớ. Bọn
địch hỏi gì anh cũng nghểnh mặt, ngơ ngác, cái ngơ ngác của một người
điếc, và miệng cứ há ra, hàm dưới đưa qua đưa lại một cách khó nhọc và cứ
ú ú ớ ớ.
Bọn địch trả anh lại nhà tù và cho người rình. Đối với anh em, anh
cũng ú ớ và ngơ ngác như vậy. Bọn địch lại tra cái bệnh câm của anh.
Chúng bắt anh phải nói. Qua ba trận tra tấn, anh câm luôn, cả cái tiếng ú ớ
anh cũng không ú ớ được nữa. Bọn địch đưa anh vào nhà thương để xét
nghiệm. Sau nhiều lần tra tấn bằng các thứ thuốc, bác sĩ kết luận: " Tên tù
này câm thật!". Chúng đánh người cốt để moi lấy lời khai, người tù này
câm rồi, đánh nữa chỉ mệt xác, bỏ tù cho tốn cơm, chúng thả anh ra.
Anh Ba Hoành, vốn là con người lực lưỡng, một tay phát thế (1) nổi
tiếng. Ơở nhà tù về anh chỉ còn có bộ xương, lại câm. Anh không thể cầm
nổi cái phảng được nữa. Nhưng nếu còn sức cầm phảng thì anh cầm phảng
nữa làm gì, ba công đất của anh bị giật mất rồi.
Anh câm, anh hết cả sức lực, nhưng anh còn sống, anh sống vì người
vợ, vì ba đứa con, và vì cái gì nữa ai mà biết được. Anh còn sống và phải
sống. Muốn sống thì phải có cái ăn. Anh phải nuôi vợ và ba đứa con. Anh
có vợ muộn, vì nghèo mà phải lấy vợ muộn. Anh nghèo thật, nhưng anh
cũng không phải vì nghèo mà không lấy được vợ. Lúc còn trai trẻ, anh
được một người yêu. Đó là cô gái đẹp ở xóm, một cô gái khá giả, nhà có
ruộng lại có cả miếng vườn cây ăn trái. Anh nghèo, anh vác cuốc đi làm
mướn, nghèo nhưng lại bạt mạng, dám chơi, dám làm, dám nói. Có lẽ vì
vậy mà anh được người con gái ấy yêu chăng? Cái đó anh không hề biết.
Chỉ biết là mình được yêu. Người ta bảo anh: "Nghèo phải lo phận nghèo,
đừng có chơi trèo mà té nặng". Cái tuổi trẻ của anh không nghĩ tới điều đó,
vả lại, anh yêu cô ấy. Anh định sau khi cưới nhau, cô ấy sẽ ở với ngôi nhà
của anh, anh không có ý định xây nhà trên miếng vườn đó. Nhưng rồi cha