Chuyện trong làng trong huyện, trong tỉnh và chuyện của cả miền
Nam toàn những chuyện đau thương, ngày nào cũng có. Mỗi ngày một
chuyện, có khi hàng chục chuyện...
Ông chủ quán câm: đầu óc bùm sùm, mặt hốc hác, người gầy gò, mặc
bộ bà ba rách, ngả màu cháo lòng.
Ông lắng nghe chuyện, mặt hơi nhếch lên, ngơ ngác như một người
điếc. Những người khách vừa nói vừa uống, vừa chửi, vừa nắm quả đấm
muốn đập nát cái vạc tre để đồ nhấm, hoặc thở dài hoặc đang nói thì bị
nghẹn. Còn ông chủ quán câm, ông nghe mà cứ như điếc chẳng ai thấy ông
bị xúc động, mặt cứ trơ. Hay là tạo hóa thương ông, cho ông điếc luôn?
Chẳng biết nữa. Lâu lâu ông cúi xuống, rút giấy ra ghi. Ông ghi tiền rượu
cho khách, hay ghi những chuyện đáng cười, đáng giận đó. Chẳng ai hiểu
nổi. Mà hiểu để làm gì mới được chứ ! Từ câm đến ngớ ngẩn có khó gì.
Lúc ông ta cúi cái đầu bùm sùm xuống quầy, hai tay khuỳnh ra, mặt
nghiêng nghiêng, tay ghi ghi, miệng há hốc, dáng điệu của ông ta, đúng là
dáng điệu của một thằng ngớ ngẩn, lúc ghi, lúc viết, miệng ông ta như
không ngậm lại được.
Khi khách hàng ra về, và quán vắng, ông rót ly rượu kinh ông Kho, rót
đầy, có khi rót mà không nhìn ly, rót tràn ra quầy vì ông là chủ quán nên
ông không uống từng ngụm như khách, ông uống cạn một hơi. Nói cho
đúng thì ông không uống mà ông đổ. Uống thì phải nhắp, phải chén, phải
khà, phải thưởng thức cho hết chất cay, chất nồng của rượu. Còn ông, với
cái miệng vốn há hốc của ông, ông ngước mặt rồi cầm ly rượu, đưa cao lên,
đổ xuống. Hình như rượu không đụng đến lưỡi, rượu đổ ngay vào đốc họng
rồi tuôn thẳng vào lòng ông. Ông uống rượu mà như uống thuốc độc vậy.
Uống xong mặt ông không đỏ, mà tái, ông ngồi im, miệng há hốc, mắt
lờ đờ. Đừng thấy dòng sông lặng lẽ mà bảo dòng sông không có sóng. Sóng
đang nổi lên từ dưới đáy người ta gọi đó là sóng ngầm. Nhìn sông đến
chán, ông gục đầu xuống quầy. Như một ông chủ quán bán khuya đến lúc