bắn, nó sai lính đi tuột quần từng người. Ôồ! Chuyện ấy có gì khó. Đàn bà
đi đấu tranh người ta không mặc quần thun hay quần lưng rút nữa, người ta
mặc quần gài nút, giật quần không tuột, nó bắt từng người, lấy kéo cắt đầu
tóc, mái tóc dài, và đầu tóc ở sau ót, đó là vẻ đẹp của người đàn bà Việt
Nam. Những người đàn bà khi đã bước vào đấu tranh, người ta không sợ
mất cái vẻ đẹp đó. Chồng họ cũng không sợ. Một hôm có một anh chồng ra
quán người câm đón vợ, thấy vợ buồn vì mất cái đầu tóc, trong lúc mọi
người đang ồn ào anh kêu lên:
- Sao mình buồn ? Mình sợ tôi chê mình xấu à ? Ông câm, ông cho tôi
một ly rượu, "rượu" "rum" Hiệp Hòa ấy.
Anh chồng uống cạn một ly. Uống xong, anh lấy rượu làm nư, anh ôm
lấy vai vợ rồi cúi hôn lên cái ót trần của vợ. Vợ anh đẩy ra, người ta cười ồ
lên, người ta vỗ tay, anh chồng ấy - có rượu rồi - không lấy đó làm thẹn,
anh ngả ra cười ngất. Đã lâu lắm rồi, người ta mới thấy ông chủ quán câm
cười. Khi ông cười, mặt ông thảm hại làm sao. Mặt ông nghiêm, nhắm một
con mắt, miệng méo. Cười xong, ông rót thêm hai ly nhỏ, đưa anh chồng ấy
một ly, hai người cùng chạm và uống cạn.
Lại một lần khác, bọn địch không cắt tóc nữa, chúng gí súng vào từng
người, đè họ xuống giữa chợ, cởi quần áo. Bọn địch muốn làm nhục họ.
Chúng muốn cho người khác bỏ chạy. Bỗng một bà già, gọi là bà Tư Trầu -
vì bà ăn trầu luôn miệng và kêu lớn. Thân thể của người đàn bà là vẻ đẹp
thiêng liêng của họ, nhưng đến lúc cần phải giành lại tự do, độc lập và
quyền sống họ sẵn sàng hy sinh tất cả. Khi bà Tư Trầu ra lệnh, thế là cả
ngàn người đàn bà, bà già, người có chồng, người còn con gái, tất cả, liền
cởi hết và họ xếp lại thành hàng, họ thành một đạo quân ngang nhiên lạ
lùng diễn qua trước mặt kẻ thù. Kẻ muốn làm cho họ nhục, thì chính họ lại
thấy nhục. Những thằng giặc ấy, chúng mặc áo, quần, tay cầm súng, nhưng
chúng phải bỏ chạy.