Những năm sau này tôi ít về quê, nhưng vẫn nghe tin. Tôi được biết
thêm trong các cuộc mít tinh kêu gọi tòng quân, thằng cháu Nguyễn Văn
Nghiêm luôn được nêu gương sáng.
Rồi lại nghe thằng cháu trở thành lính lái xe tăng. Đời sống của thằng
em bắt đầu ổn định. "...Em đã trở lại nghề thợ chạm. Trước ăn mạt cưa với
dăm bào, bây giờ thì ăn bụi nhưng là bụi vàng. Đã lợp lại nhà. Tụi nhỏ bắt
đầu đi học. Thằng Nghiêm thỉnh thoảng viết thư về, khoe hết trận này đến
trận khác..." Lòng tôi đỡ bứt rứt.
Sau ngày đánh tan bọn Pôn Pốt, thằng cháu Nghiêm trở về với cấp bậc
trung úy. Uủy ban xã tổ chức mít tinh cho dân làng nghe nó báo cáo chiến
công. Nó gọn gàng trong quân phục, da dẻ hồng hào, đeo lon một gạch hai
sao. Chẳng biết nó giống ai mà miệng nói cứ dẻo quẹo, chắc là đã quen
miệng rao bán cà rem, nó nói vừa hùng hồn, vừa lưu loát. Qua lời nó kể,
người làng hình dung từng đoàn xe tăng ầm ầm vượt suối băng rừng. Nghe
như vang lên cả tiếng nhạc hùng tráng như cảnh trong phim. Người nghe cứ
hừng hực, cứ sôi lên tưởng như mình cũng là người lính đang lao lên trong
tiếng súng...
Một hôm, tôi lại về quê. Đến nhà, thằng Bảy đi vắng. Nghe nói nó
được Uủy ban mời đi dự lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội với tư cách là
cha của trung úy xe tăng. Tôi đến chỗ mít tinh tìm nó, người ta chỉ:
- Ôổng ngồi trên hàng Chủ tịch đoàn đó.
- Sao tôi không thấy.
- Đó đó, ổng để râu đó.
- A, đúng là nó. Nó lại để râu để ria, cái bộ ria củ ấu. Ngồi trên hàng
ghế cao. Nó ngước mặt, vểnh râu.
30/11/1993