- Thôi nói đi, noi là sao?
- Ngày xưa, ông bố của thằng nhỏ đeo kiềng sắt đó chết trôi trên dòng
sông này. Người chết trôi thì biến thành con ma da. Con ma da thường hay
rút chân người tắm sông. Con cháu của người chết trôi như có một cái vết,
gọi là có huông cũng được, ở đây gọi là noi, rất dễ bị theo cái vết của ông
bà, mầy hiểu chưa?
- Biết rồi, nhưng tại sao cây kiềng sắt?
- Con ma da không ai thấy, nhưng theo ông bà thì con da thân hình nó
toàn là nhớt. Nó rút chân người ta bằng hai bàn tay nhớt của nó. Nhưng
nhớt thì kỵ với sắt. Nhớt gặp sắt thì nhớt tan. Vì nó có noi nên nó phải đeo
cây kiềng sắt là vậy. Hiểu chưa?
Qua câu chuyện của Danh, tôi như cảm nhận được biết bao điều bí ẩn
đang cuồn cuộn dưới dòng sông.
Nhà của Danh, ngôi nhà sàn nhỏ dưới bóng cây xoài, mái lá vàng, cửa
nhìn ra sông, thật thơ mộng.
Chưa kịp bước lên chiếc cầu thang lên nhà, Danh đã gọi:
- Hiền, em ơi!
- Da... ạ...
- Ra đây tiếp khách.
Hiền, vợ Danh, xuất hiện trên sàn nhà, sau lan can.
Tôi chết đứng. Và Hiền, vợ của Danh, cũng chết đứng như tôi. Mái tóc
dài run rẩy trước ngọn gió từ những lượn sóng hất lên người nàng.
- Hiền chính là Thu Hảo, là Chín của tôi trong quán bia.