Tôi bỏ học được mấy ngày thời thu xếp về quê thăm mộ thầy đẻ tôi,
hôm sau ăn mặc quần nâu áo nâu, đi thẳng. Trong một năm trời đi được gần
khắp trung châu, mới đầu về Hải Dương, xuống Thái Bình, Nam Định,
Ninh Bình, vòng lên Hà Đông, có khi một mình khăn gói lang thang, có khi
đi lẫn vào bọn thợ, cũng làm lụng như họ, vất vả khổ sở quá, nói ra không
thể nào tin được.
Có khi ngủ ở giữa cánh đồng, có khi ốm mà không ai trông nom, song
cái đó không làm tôi ngã chí. Tôi học cũng được nhiều và kiếm ăn cũng đủ
tiêu dùng, tuy mồ hôi nước mắt mà thảnh thơi không lụy ai. Thỉnh thoảng
thấy cảnh đẹp, trời chiều man mác, điếm cỏ cầu sương mà tự nhiên bật
miệng ngâm lên câu thơ chữ tây, lại vội vàng nhìn quanh xem có ai nghe
thấy không? Về sau phải tập luyện cho quen, bây giờ thật là An Nam rồi.
Còn về phần dạy cho người khác thời tôi ngỡ không biết có bổ ích gì
không, mà bổ ích thế nào được. Tôi cứ ngờ như thế mãi, thành ra ý tưởng
tôi đổi khác đi mà tôi không biết, cái tính tình vẫn nặng hơn lẽ lý nhiều,
vùng nào phong cảnh tiêu điều, thời tôi hay lánh đi, chỉ tìm những nơi nào
có đồi có sông, dân phong thuần hậu thời hay luẩn quất ở lại lâu.
Bây giờ đã đến cái thời kỳ tôi hơi ra ngoài đời mà đến gần cảnh vật rồi
đó, tôi mới biết rằng tôi chưa từng yêu gì hơn yêu cảnh thiên nhiên, lắm khi
có thể lấy đấy làm cái vui ở đời, khuây khỏa được lắm nỗi đắng cay sầu
thảm: Có khi tôi ngắm cảnh mà quên cả mọi nỗi gian truân, quên cả thế sự;
tưởng có thể bỏ cả vinh hoa phú quý để được hưởng một cái thú cỏn con
với cây cỏ. Ánh sáng hơi thu, gió lạnh, những lúc mùa nọ thay sang mùa
kia thường đem cho tôi lắm cái cảm giác êm đềm man mác, tôi là người
khách rồi, cái nguyên nhân ấy muốn tách bạch ra thì phải người nào giỏi về
tâm lý học lắm mới làm nổi.
Tôi đương mang tấm lòng như thế, thời đến một nơi gọi là Từ Lâm:
Xa xa toàn là núi, ngọn nọ, ngọn kia không dứt, sắc núi màu lam, buổi sáng
chiều mây bay sương phủ. Từ Lâm là một cái làng nho nhỏ ở chân đồi, vẻ