Nhưng nàng nói thế rồi nàng cũng khóc theo. Ông tú lên Hà Nội, rồi đi
đâu mất, họ đồn là theo bọn văn thân. Mấy tháng sau có mật thám về bắt bà
cụ chánh là bà mẹ ông tú và từ đường lên tra hỏi. Lúc mới đến, nàng biết
ngay, mặt tái ngắt, song gượng lại ngay mà nói:
- Các bác cứ để yên tự khắc bà tôi và tôi sẽ lên, chúng tôi không việc
gì mà phải trốn, không cần phải xích tay, xích chân gì cả.
Các bác kia thấy người con gái nhà quê mà ăn nói cứng cáp, khẳng
khái, bằng lòng để cho hai mẹ con được tự do.
Ông tú phải đi đày Côn Lôn chung thân: Nàng lại đem bà Huấn về quê
giữ cái guồng tơ khung cửi để lấy tiền phụng dưỡng thay chồng. Như thế
được bốn năm trời: Từ mẹ chồng cho đến người trong họ ai cũng cho phép
nàng cải giá, nàng nhất định không lấy ai cả, quyết giữ lời thề với người cũ.
Ông tú ở Côn Lôn cũng mấy bận viết thư về khuyên nàng, bắt nàng lấy
người khác, lời lẽ thảm thiết thương. Nàng xem thư chỉ khóc rồi có khi nào
nhớ chồng, lên tít trên đỉnh đồi cao mà đứng trông, có khi về nhà bố mẹ đẻ
ra ngồi quay tơ ngoài sân, tưởng tượng đến lúc gặp gỡ, người thư sinh từ
mấy năm về trước; những lúc ấy thời nàng lại đẹp lên bội phần, ai cũng
thương mà ai cũng yêu, trong làng nhiều người rắp ranh bắn sẻ: Một ông
giáo có quen ông tú, góa vợ đã lâu cũng đem bụng yêu nàng, cho mối sang
hỏi. Lúc mối sang, nàng biết ngay, than rằng:
- Ai ngờ bác giáo mà cũng đến như thế ư!
Nói xong mắng mối đuổi ra. Ai cũng giận mà ai cũng mến nàng hơn
trước.
Bà cụ Huấn mất, nàng làm ma chay cho chu đáo, rồi lên tỉnh xin phép
đi theo chồng. Xin mãi mới được phép, nhà nước lại cho cả tiền tàu nữa.
Nàng về quê thu xếp, rồi một thân một mình ra đi, đất lạ quê người.
Nàng ở bên ấy với chồng khổ sở trong ba năm, sinh được một đứa con trai