Đám tang của bà do xã đứng ra lo liệu. Đó là một cái đám tang rất lớn với
hàng chục con heo sữa quay và một con heo nái hơn một tạ thịt hơi. Bầy gà
nòi của bà người ta tranh nhau mua. Cuối cùng xảy ra một chuyện chưa
từng có trong xã. Người ta bắt chước trong tivi khi có tranh chấp mua bán:
Mở cái bàn đấu giá mấy con gà để lấy tiền chôn cất chủ.
Thật kinh ngạc, tổng số tiền bán bầy gà nòi lên tới hơn ba mươi triệu đồng.
Cái con gà to nhất đàn, có cái cựa dài nhọn hoắc, lúc nào cũng hung hăng
đi kiếm chuyện với những con gà khác, đã được trả tới bảy triệu đồng!
Nhiều tiền quá, xã quyết định mua cái hòm cẩm lai duy nhất của trại hòm.
Nghe nói cái hòm ấy để qua nhiều năm không bán được vì giá quá cao.
Ông chủ trại hòm còn than thở:
- Vừa bán, vừa cho chứ mắc mỏ gì! Cẩm lai bây giờ làm gì có cửa để mang
đi đóng hòm. Đóng nội thất cao cấp còn không có mà đóng. Chẳng qua gỗ
đóng hòm rồi, đâu thể tháo ra bán gỗ được. Bán rồi, tiếc muốn chết!
Con trai ông chủ trại hòm hỏi:
- Cha tiếc vậy sao còn cho không dịch vụ kèm? Những cái đó mình phải
tốn tiền mà?
- Nghĩa tử là nghĩa tận. Vài bộ đồ liệm, mấy thằng khiêng đòn, chủ tế ….
công nhà cả, tính toán làm chi với người chết như bả.
Mấy hôm sau, bà quét chợ được yên nghỉ ở đất thánh (* Đất thánh: Nơi
chôn cất những người nghèo, vô gia cư, xác vô thừa nhận).
Miếng đất của bà trở thành tài sản công của xã. Xã muốn bán để sung công
quỹ, nhưng chẳng ai muốn mua. Khu đất không người chăm sóc, gặp mùa
mưa, đủ loại cây từ đất rác mục ấy, chen nhau mọc lên, xanh như chưa bao
giờ cây cỏ được xanh như thế.
Thời gian qua đi. Mọi chuyện lẽ ra sẽ vào quên lãng nếu như mấy con gà
nòi không sinh quái bệnh. Gà đá mà không chịu đá độ. Những người chủ gà
không hiểu vì sao khi thả trong vườn, những con gà nòi rất hung hăng, đá