CÁI THUYẾT NHÂN-QUẢ
Theo cái thuyết phổ-thông nói về nhân-quả trong đạo Phật, thì hai chữ
nhân và quả rất là nặng, và người ta thường lấy thuyết ấy mà giải-thích mọi
việc ở trong thế-gian này. Người ta cho là ở đời bất cứ việc gì hay dở, lớn
nhỏ, đều là cái quả của một cái nhân tự mình đã tạo-tác ra.
Cái thuyết nhân-quả cốt ở chữ nghiệp, bên nhà Nho gọi là chữ mệnh.
Chữ nghiệp đây không có nghĩa như bên nhà Nho thường dùng để chỉ công-
việc của người ta làm, như là sự-nghiệp, công-nghiệp, nghệ-nghiệp hay
nghiệp-nông, nghiệp-thương v.v… Chữ nghiệp của nhà Phật là dịch theo cái
nghĩa tiếng phạm Karman, tức là những việc đã làm kiếp trước kết-thành
cái quả kiếp sau.
Theo cái lý-thuyết ấy, thì sự-sống, sự chết của vạn vật chỉ là sự ẩn-
hiện, thân-khuất của cái phần bất sinh bất diệt ở trong vạn vật mà thôi, chứ
không phải là một sự hết hẳn. Cho nên mới có câu rằng :
Thác là thể-phách, còn là tinh-anh.
Phàm là cái hình-hài là phần vật-chất, thì tất-nhiên phải thay-đổi luôn,
có có, không không, không có gì là thường-định. Còn cái phần bất sinh bất
diệt, thì ta có thể gọi là tinh-anh, là thần-thức hay là linh-hồn của vạn vật,
nó cứ luân-lưu ẩn-hiện theo cái lẽ nhân-quả nhất-định. Bởi thế mà thành ra
có chữ luân-hồi, tức là chết đi, lại sinh ra, sinh ra lại chết đi, chìm-nổi lăn-
lộn mãi ở chỗ phong-trần cặn-đục.
Khi cái thần-thức ở trong một cái hình-hài thoát ra, là đeo lấy một cái
nghiệp. Cái nghiệp ấy là cái kết-quả của những công-việc mình đã làm ở
kiếp vừa hết ; mình lại mang cái nghiệp ấy mà hiện ra kiếp khác để hưởng-
thụ hay chịu lấy cái phúc hay cái họa đúng với cái nghiệp ấy. Nghĩa là việc
của mình đã làm ra ở kiếp trước, lập-thành cái nhân cho đời hiện-tại, mà đời
hiện-tại là cái quả của việc mình đã làm ra ở kiếp trước. Bởi vậy trong sách