nghĩ càng tê lưỡi. Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời, trong cuốn văn
tả ra như hệt, không khác gì một bức tranh vậy.
Xem chỗ giấc mộng đoạn-trường tỉnh dậy mà căn-duyên vẫn gỡ chưa
rồi ; khúc đàn bạc-mệnh gảy xong, mà oán-hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời
xa người khuất, không được mục-kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như
máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến
cũng phải thấm-thía ngậm-ngùi, đau-đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên là
Đoạn-trường tân thanh cũng phải.
Ta lúc nhàn đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng : Tố-như-tử dụng
tâm đã khổ, tự sự đã khéo tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải
có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài
nào có cái bút-lực ấy. Bèn vui mà viết bài tựa này.
*
Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố-như-tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy
khác nhau mà lòng thì là một ; người đời sau thương người đời nay, người
đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông-lụy của
bọn tài-tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy.
Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê-kệch,
không đủ sánh với bức giao-thiên, song đủ tỏ ra rằng cái nợ sầu của hai chữ
tài tình, tuy khác đời mà chung một dạ. May được nối ở đằng sau quyển
Tân thanh của Tố-như-tử, cùng làm một khúc đoạn-trường để than-khóc
người xưa.
Tháng hai, niên-hiệu Minh-mệnh, viết ở Thán-hoa-hiên đất Hạc-giang.
Tiên-phong,
Mộng liên-đường chủ-nhân